hồ gì là ông không cần thấy thì nó sẽ ra sao?
Giáo sư Nguyễn Phương lại có thái độ khác hơn ông Lê nữa. Ông chơi
nghịch, thách đố tất cả giới khoa học tìm cho ta chứng tích. Ông viết: “Nếu
cho rằng chủ nhân của văn hóa trống đồng là tổ tiên của dân Việt Nam, vậy
sao ngày nay người Việt Nam không còn duy trì bất cứ gì của phong tục
Lạc Việt, kể cả việc trọng kính trống đồng?”.
Đó là một câu đố bắt bí của một người lầm tưởng rằng bọn kia sẽ phải
câm miệng, vì không còn chứng tích nào cả để mà cãi lại.
Nếu người Huê Kỳ chơi ác, hỏi người Pháp một câu na ná như thế: “Các
anh nói tổ tiên các anh là người GÔ LOA, nhưng đâu là dấu vết GÔ LOA
trong đời sống các anh? Chúng tôi chỉ thấy các anh là La Mã mà thôi”.
Người đố như vậy ngỡ mình ăn chắc một trăm phần trăm bởi bọn kia còn
làm sao mà tìm ra được chứng tích nào kia chớ.
Nhưng rủi cho ông Nguyễn Phương là còn quá nhiều chứng tích. Ông Lê
Văn Siêu không tìm tòi cho tới nơi nên mới tin là không có, riêng sử gia
Nguyễn Phương thì còn chịu khó đọc cổ thư Trung Hoa, chớ ông Lê Văn
Siêu thì không đọc, vì tin là Tàu bịa, đọc vô ích.
Dân Việt Nam còn duy trì phong tục Lạc Việt, Anh Đô Nê-Diêng hay
không, tưởng sử gia nên theo dõi các nghiên cứu của các nhà bác học mà
chúng tôi đã ám chỉ trong nhiều chương, hơn là hỏi suông một cách quá tự
tin như thế.
Riêng về trống đồng thì oái oăm thay, chính sử gia phản lại sử gia.
Quả thật thế, quyển V.N.T.K.S. ra đời năm 1965, nhưng từ năm 1963, sử
gia cho xuất bản quyển Hải ngoại kỷ sự do chính sử gia dịch, đó là du ký
đến viếng nước Đại Việt của chúa Nguyễn Phước Châu hồi thế kỷ 17, tức
chỉ mới đây thôi (đối với chuyện ngàn năm thì thế kỷ 17 rất là mới).