nơi, khi người cất nhà vì ít tiền nên phải tiết kiệm gỗ. Và hầu hết các Đình
xưa của ta đều không có trính.
Ở đây, ta thấy rõ một hình thức tiêu cực đề kháng của tổ tiên ta rất là ngộ
nghĩnh. Phàm khi một dân tộc bị trị mà bất khuất dưới một sức mạnh thống
trị chưa có thể đương đầu nổi thì cuộc đề kháng rút vào vòng bí mật, hoặc
dưới trăm ngàn hình thức tiêu cực nho nhỏ mà kẻ thống trị không thấy được.
Chúng tôi còn giữ được một kỷ niệm về câu chuyện sau đây xảy ra trong
làng chúng tôi cách đây nửa thế kỷ, thuở chúng tôi còn bé dại.
Nhà giàu ta, hễ cất nhà thì có khuynh hướng cất có trính mà miền Nam gọi
là Đâm trính, vì nhà có trính rộng hơn nhà Chữ Đinh mà miền Nam gọi là
Nọc ngựa. Nhưng đàn ông các gia đình có nền nếp theo phong tục tổ tiên thì
luôn luôn chống lại khuynh hướng đó. Xung đột thường xảy ra trong các gia
đình bắt đầu mới có tiền chuẩn bị tậu nhà mới. Người đàn ông luôn luôn thua
trận, bởi họ chỉ biết đưa ra một luận điệu có vẻ huyền bí là “Không nên”. Từ
ngữ không nên ở miền Nam có nghĩa là chạm đến ma quỷ, thánh thần. Luận
cứ đó không vững nên các bà luôn luôn thắng và những ngôi nhà cổ Nọc
ngựa lần hồi biến mất hết, năm chúng tôi lên bảy thì nhà cửa trong làng hết
95 phần trăm là nhà có trính mà các nhà kiến trúc Tàu gọi là nhà Chữ Hợp.
Chắc chắn là tổ tiên ta xưa, không biết làm thế nào để chống lại ảnh hưởng
ngoại lai về kiến trúc đó nên mới bịa ra cái vụ “không nên” nói trên, dùng có
hiệu quả trong nhiều ngàn năm, nhưng đến thời Tây tà thì không còn ai nghe
nữa vì ta đã hết tin nhảm.
Sở dĩ toàn thể đàn bà theo khuynh hướng có trính vì họ không có nhiệm
vụ tế lễ nên không hề hay biết có lời di chúc truyền miệng của tổ tiên. Còn
đàn ông mà không biết là vì họ mồ côi quá sớm hoặc vốn là con nhà bần
nông ở nhà tranh, trong gia đình người gia trưởng không có dịp nói lên lời di
chúc ấy lần nào hết.