họ bắt tay vào việc thì không còn nhà rầm nữa để cho họ thấy.
Sự kiện nhà rầm tồn tại ở Nam Kỳ cho tới năm 1925 là một sự thật do
chúng tôi quan sát tại chỗ, và sự kiện Nam gần gốc Mã Lai hơn Trung, Bắc
lại không thể có được, thì chỉ còn một lối kết luận là vào năm 1925 ở Trung,
Bắc cũng còn chút đỉnh nhà rầm, chỉ có điều là những người thuở bé có quan
sát thì ngày nay đã quy tiên rồi hoặc không viết lách.
Và ông L. Bézacier kết luận rằng chắc chắn đó là di tích Lạc Việt. Ông
không hề dám kết luận Lạc Việt = Mã Lai vì ông không gom đủ được bằng
chứng như chúng tôi, nhưng nội cái kết luận rằng Nọc Ngựa, bức hồi, mái
cong, nhà rầm là di tích Lạc Việt cũng đã giúp cho thuyết của chúng tôi
nhiều lắm.
Ông nói khi một dân tộc bị mất văn hóa, họ cố bám víu vào một vài điểm
nào đó, trong trường hợp kiến trúc thì họ bám víu trong kiến trúc cất đình, vì
đình là nơi thiêng liêng, giúp họ nhớ gốc tổ Lạc Việt, nếu không phải như
vậy thì không sao cắt nghĩa được hiện tượng lạ lùng là ngôi đình của làng
nào ở đất Bắc cũng cất theo lối nhà rầm hết, không hề có ngoại lệ bao giờ,
trong khi cung điện, chùa, miếu thì không có rầm, là vì Phật giáo là tôn giáo
ngoại quốc du nhập vào xứ ta do trung gian Trung Hoa, còn miếu mạo thì
thường cũng thờ các vị thánh thần Trung Hoa; chỉ có đình là gốc chánh vì
hiện nay người Sơ Đăng cũng còn đình, chỉ có khác là họ không thờ thần
làng mà chỉ dùng làm việc buôn, y hệt như ở Bắc mà cái đình cũng dùng cho
việc làng.