Giáo sư cũng chủ trương rằng mình dung hòa, nhưng trong Việt lý tố
nguyên, ta thấy giáo sư bỏ tinh thần khoa học từ trang đầu đến trang chót,
tưởng tượng cái gì nói cái ấy ra, theo ý muốn của mình, bất chấp cả những
sự kiện lịch sử rõ ràng nhứt mà không ai cãi được hết.
Giáo sư chỉ đọc có Colani, Mansuy mà ngày nay đã bị thấy là sai rồi,
nhưng giáo sư không hay, cứ trích dẫn họ, rồi lại chê khoa khảo tiền sử là
mơ hồ, trong khi nó đúng một trăm phần trăm. Giáo sư dựng đứng lên một
chủng tộc, chủng không bao giờ có mặt trên quả địa cầu.
Giáo sư có những quả quyết bất chấp lý trí sơ đẳng, không cần gán tội
cho khoa học, người thường cũng không ai nhìn nhận quả quyết đó.
Thí dụ Tư Mã Thiên cho rằng dân Sở họ Mị. Giáo sư bảo rằng Mị do Mễ
đọc trại ra, mà Mễ là vì dân Việt ở nước Sở theo văn minh nông nghiệp, có
lúa gạo.
Sự thật thì văn Tàu nói không minh bạch chớ chỉ có vua nước Sở tức tổ
tiên của họ Hùng là mang họ Mị còn dân thì không. Dân Sở đông bao nhiêu,
ta không thể biết, nhưng cứ bằng vào quân số mà Tần dùng để đánh Sở, mà
sử Tàu có chép là 600 ngàn, thì ta ước lượng nước Sở phải đông lối 10 triệu
dân.
Nếu 10 triệu người đều mang họ Mị cả thì làm thế nào để kết hôn với
nhau?
Đó là chúng tôi suy luận để biết sự thật, vì thấy Tư Mã Thiên viết một
điều kỳ diệu, nhưng rồi sự thật ấy cũng hiện rõ ra ở các sách khác, là chỉ có
tổ của họ Hùng là ngày xưa mang họ Mị, còn dân thì không, vì dân đã di cư
vào Kinh Cức 500 năm trước khi họ Hùng được phong tước Tử ở Sở.
Dân đó mang đủ thứ họ, y như ở Hoa Bắc, chớ không hề mang họ Mễ,
mặc dầu họ trồng Mễ và ăn Mễ, khác hơn dân Hoa Bắc.