Con Trai mà Con, trong trường hợp đó, có thể bị đồng hóa với Đứa Con,
chớ cũng không hẳn là loại từ.
Về loại từ thì ta chịu ảnh hưởng Tàu rất nhiều. Thí dụ ta nói Phiến đá. Có
lẽ đó là vay mượn của trí thức về sau, còn Cái là vay mượn của bình dân,
ngay trong buổi đầu bị chinh phục, và chỉ do một sự hiểu lầm khi học ngoại
ngữ lối nhảy dù với bọn lính Tàu từ Lạc Dương xuống. Họ trao cho ta một
cái bánh, hai cái bánh và nói “Yi cá, ơl cá” tức một đơn vị, hai đơn vị, rồi ta
hiểu rằng trước danh từ chỉ một vật, phải có loại từ Cá mà ta đọc sai là Cái.
Rồi ta tổng quát hóa ra, làm sai ngôn ngữ của ta với Cái Cò, Cái Vạc, Cái
nông, v.v. Câu chuyện chỉ xảy ra chưa tới 2.000 năm.
Cuộc biến Con ra loại từ, tuy cũng không tối cổ, nhưng có thể cổ hơn
việc dùng loại từ Cái hàng ngàn năm, vì tất cả bọn Lạc bộ Chuy và Lạc bộ
Trãi đều có loại từ Con thì hẳn phải tốn lắm thì giờ.
Người Mạ là một nhóm Mã Lai đợt I, có ngôn ngữ quá giống ngôn ngữ
Khả Lá Vàng, mặc dầu một kẻ có địa bàn ở Nam Kỳ, một kẻ có địa bàn ở
đèo Mụ Già, giống nhứt là đại danh từ Tôi, nơi họ là Ai.
Chúng tôi đã chứng minh rằng Khả Lá Vàng là Việt tối cổ thì chúng tôi
phải tin rằng Việt xưa cũng nói Ai, thay vì Tôi. Thật thế, ngày nay ta nói
Tôi, Tao mà Tôi, Tao chỉ là biến thể của Ta, Ta chỉ là Kita của Mã Lai đợt II.
Hồi Trung cổ, theo sách của các cố đạo, ta nói Min (tức Mình ngày nay) mà
Min cũng chỉ là vay mượn của Mã Lai đợt II.
Thế thì đại danh từ ngôi thứ nhứt của ta ở đâu? Nó phải là Ai của Khả Lá
Vàng và của Mạ, tức của nhiều nhóm Mã Lai đợt I, chớ không riêng gì của
nước ta.
Trong một câu tiếng Việt ngày nay, đôi khi Ai cũng rõ ràng có nghĩa là
tôi. Thí dụ hai câu đối thoại dưới đây:
- Chó có bị chẹt ô tô ngoài phố không?