Thế nên hiện nay, Vân Nam mới giàu cổ vật đồng thau, và thế nên xưa
kia dân Kinh Việt mới tiến đến được nền văn minh đồng khí.
Ông O. Jansé đã đi từ mâu thuẫn nầy đến mâu thuẫn khác. Ông đã nói
rằng dân Lạc Việt bỏ đất lại cho Trung Hoa để chạy đi dựng nghiệp lại ở hải
ngoại mà chúng tôi đã trình nguyên văn ở một chương khác, khiến sử gia
Nguyễn Phương đã phải lầm mà lập ra một thuyết động trời, giờ, ông lại nói
đến một cuộc hợp chủng. Thế là thế nào?
Ở lại để hợp chủng, hay bỏ nước chạy đi, hở ông O. Jansé?
Hẳn là không có bỏ nước chạy đi, vì ông bảo là dân Việt rất khoái gả con
gái cho bọn phiêu lưu Tàu.
Nhưng về hợp chủng, ông cũng cho nó xảy ra vào cái thời mà không hề
có một tài liệu nào cho biết rằng Tàu và ta đã có qua lại với nhau. Quả thật
cổ vật trong ngôi mộ ở Việt Khê cho thấy có đồ Tàu đời Đông Chu. Nhưng
ta có thể mua đồ vật ấy qua trung gian của ba nước ở trên ta là Tây Âu, Mân
Việt và Đông Âu, ba nước ấy chưa hợp chủng với Tàu, sao ta ở dưới họ, lại
đã hợp chủng với Tàu?
Tàu đã biết ta vào thời nào?
Một lần nữa xin nhắc to rằng khoa khảo tiền sử cho khắp Á châu mà ông
G. Coedès đã tóm lược, có nói rõ rằng đợt Mã Lai I, tức đợt Xy Vưu, có lai
giống với một chủng Mông Gô Lích, chớ không bao giờ lai với Tàu, mà ta
đã thấy cái chủng tộc đó như sau, nó gồm rất nhiều thứ, mà khoa khảo tiền
sử lại có cho biết rằng Cửu Lê không có để dấu vết lại ở Hoa Bắc, tức
không có hợp chủng với Tàu.
Danh xưng Nam Giao trong thiên Nghiêu Điển mà các sách đời sau tự ý
cãi ra là Giao Chỉ không nên xem là quả thật đó là Giao Chỉ. Nam Giao có
nghĩa là đất ở phương Nam mà cái phương Nam đó không có biên giới rõ
rệt, và chắc chắn là dưới thời Nghiêu Thuấn thì Trung Hoa chưa biết ta.