Tánh cách trang trí trên cổ vật thì theo ông O. Jansé lại là tánh cách Tây
phương (mà vài ông Tây đã liều lĩnh cho rằng dân Halstatt ở Hắc Hải đến
hợp chủng với Đông Sơn và khai hóa Đông Sơn). Có một điểm chắc chắn là
có một vài tánh cách sông Hoài mà các ông Tây cho là của Tàu Hoa Nam.
Họ không biết rằng sông Hoài là địa bàn của nước Ngô, tức của một nước
của “man di” Việt thuần chủng (Khổng Tử).
Những cái sọ người thuộc chủng Mông Gô Lích tìm thấy trong nền văn
minh Bắc Sơn cũng không chứng tỏ được gì. Đó là sự hợp chủng của Cửu
Lê với Mông Cổ như đã nói rồi.
Dầu sao cũng có một hợp chủng Việt Hoa, chỉ có điều là ông O. Jansé đã
cho nó xảy ra sớm đến 444 năm mà không có bằng chứng nào.
Việt Hoa đã hợp chủng rất lớn lao, nhưng bọn lai giống ấy ở lại bên Tàu
hết cả để biến thành người Hoa Nam, còn bọn di cư thì không có hợp chủng
bao giờ.
Tại sao bọn Mã Lai đợt II lại di cư? Vì thua trận, mất đất, và chính vì
không muốn ở lại hợp tác. Mà không muốn là vì họ không có mang giọt
máu Tàu nào cả, văn hóa Tàu làm cho họ bỡ ngỡ, lạc hướng.
Nhưng tưởng cãi lắm lời cũng bằng thừa vì khoa khảo tiền sử đã cho ta
biết lúc di cư Bách Việt, tức Mã Lai đợt II, thuần Mã Lai.
Cái điều mà O. Jansé nói, vẫn cứ còn ám ảnh ta, là rồi khi định cư ở Cổ
Việt, bọn phiêu lưu Tàu có đi theo họ để làm rể hay không?
Điều đó thì chúng tôi đã nói rồi ở chương Những sai lầm, là Tàu rất sợ
khí hậu bán nhiệt đới ở lưu vực sông Hồng, mà cho đến thế kỷ thứ 10 sau
Kitô kỷ nguyên mà Lư Tổ Thượng còn chọn chết chém hơn là chọn đi làm
quan đầu xứ ở Giao Chỉ thì ba bốn trăm năm trước Kitô kỷ nguyên, hẳn
không có chú Tàu nào dám phiêu lưu đi Giao Chỉ cả đâu.