Rể của các tù trưởng Lạc phải là những nhơn vật quan trọng, và nếu có
họ, họ đã có để mộ lại, mộ đó không kém gì mộ của quan Tàu cả, và người
ta đã lầm với mộ của quan Tàu. Nhưng không hề có mộ của quan Tàu,
trước đời Hậu Hán.
Mãi cho đến đời Lộ Bác Đức, mà Tàu cũng chỉ gởi sang xứ ta có hai viên
quan điền sứ để kiểm soát các Lạc tướng, chế độ mà Triệu Đà đã bày ra, thì
hẳn không có phiêu lưu Tàu nào đến Cổ Việt cả, trước Mã Viện, trừ hai viên
điền sứ ấy với lại vài chục tùy viên của y.
Đó là chế độ bảo hộ thứ thật, chớ không phải là thứ trá hình chế độ bảo
hộ của Pháp mà cho đến tỉnh trưởng, ông Tây Đoan cũng là người Pháp,
bằng chứng là các Lạc tướng cứ còn nguyên vẹn cho đến ngày hai bà Trưng
dấy quân.
Nếu có ảnh hưởng của Tàu thì trên trống đồng Đông Sơn đã có chữ Tàu,
bằng chứng là người ta đã đào được trống đồng đời Hậu Hán có chữ Tàu.
Nhưng trống đồng và hàng ngàn cổ vật thời Đông Sơn, tuyệt đối không có
mang chữ nghĩa nào cả, mà hình trang trí cũng lạ lùng cho đến đổi các ông
Tây cho là do ảnh hưởng Âu châu, chớ cũng không phải là hình ảnh Tàu
nào hết.
Như vậy ta có thể kết luận mà không sợ sai lầm rằng không hề có hợp
chủng Hoa Việt tại Cổ Việt, trước Mã Viện, mà sau Mã Viện thì cũng chỉ là
hợp chủng với lính thú Trung Hoa chớ không phải với thợ giỏi đi ở rể nào
hết, vì, như đã chứng minh ở chương II, lính bị bắt buộc phải đi và phải ở
lại, còn dân thì rất sợ khí hậu Giao Chỉ, không ai bắt buộc thì họ không đi,
và không ở để mà kết hôn với người bản xứ.
Pháp đã trực trị ta một trăm năm, mà ta thì đã biết cách ngừa sốt rét,
nhưng thử hỏi từ năm ta bị Pháp cai trị cho đến năm họ triệt thối, có bao
nhiêu người Việt lai Thượng tại Cao Nguyên? Theo chỗ chúng tôi ước
lượng thì không tới 20 người, quanh các thị trấn Kontum, Pleiku, v.v.