Không có tài liệu trực tiếp nào về cuộc hợp chủng nầy cả nhưng ta cũng
có thể biết, chính bằng sự kiểm soát lại thuyết trồng người và di cư vĩ đại
của Trung Hoa sang Cổ Việt của sử gia Nguyễn Phương, và bằng cách
nghiên cứu một cuộc hợp chủng mà ta thấy được, xảy ra tại Nam Kỳ, giống
hệt cuộc hợp chủng tại Giao Chỉ vì số người Trung Hoa di cư sang, cũng
xấp xỉ như nhau, ở Giao Chỉ có 4.000 quân trú đóng thì ở Nam Kỳ có 3.000
quân tị nạn chánh trị, còn thường dân Trung Hoa tới Cổ Việt thì chỉ rải rác
tới sau đó mà thôi, mà cũng không hề có sử liệu cho biết rằng có nhiều di
dân.
Bao nhiêu chứng tích mà sử gia Nguyễn Phương đưa ra đều là chứng tích
di cư, và những tiếng hợp chủng không hề được sử gia thốt ra lần nào.
Chứng tích hợp chủng của ông O. Jansé trước đời Tần, thì lại chỉ là một
lời khẳng định suông, không được chứng minh, hay được chứng minh
không khoa học vì ông O. Jansé cho rằng ta hợp chủng do trung gian người
Thái lai căn trước ta tức dân Tây Âu của Trạch Hu Tống, mà không đưa ra
được bằng chứng nào hết.
Cuộc hợp chủng thứ tư mà là thứ nhứt, cuộc hợp chủng ở Giao Chỉ,
không hề đưa ra yếu tố Hoa vào chủng Việt một cách đáng kể, và sau đây là
những chứng minh cho công trình của chúng tôi, những chứng minh nầy
bác bỏ toàn loạt công trình của tất cả O. Jansé, Nguyễn Phương và vài vị
khác.
Có người hỏi sao nếu ít hợp chủng với Tàu mà dân Đông Sơn Lạc Việt
lại biến dạng được? Thứ nhứt, họ không có biến dạng nhiều lắm đâu. Cái
anh thổi kèn Việt Khê, trông không khác gì người nông dân Việt Nam ở
thôn quê ngày nay. Đó là con người cổ mà hình dáng rõ nhứt trong bao
nhiêu con người khác, nên chúng tôi mới lấy anh để làm đối tượng so sánh
(người thổi kèn đơn độc chớ không phải là người thổi kèn được cõng đâu,
hình người được cõng thì không rõ lắm).