Trong chúng ta, không có ai là nhân chứng của những gì xảy ra vào năm
1680 ở Nam Kỳ cũng không có tài liệu nào về cuộc hợp chủng ấy, nhưng ta
vẫn biết rằng họ đông suýt soát với người Tàu ở Giao Chỉ thời Đông Hán.
Họ là ba ngàn, còn quân trú đóng đời Hán là bốn ngàn, nhưng chỉ kể là hai
ngàn thôi, bởi quân lính nhà Hán chỉ ở vài năm rồi được thay thế. Hai ngàn
cộng với một ngàn dân cư phỏng đoán vào thuở ấy là ba.
Chúng tôi được thấy, được quen với con cháu 10 đời của những người
lưu vong nhà Minh. Chúng tôi xin theo dõi bốn họ, cả bốn đều sinh sống
trong tỉnh Biên Hòa nơi độc nhứt mà bọn lưu vong nhà Minh còn để lại
nhiều dấu vết hơn hết. Đó là nơi họ thành công nhứt với một thành phố lớn
xây bằng đá và ba công nghệ quan trọng mà đến nay vẫn còn: công nghệ đồ
gốm, công nghệ tạc đá, và công nghệ đúc lưỡi cày, trong đó hai công nghệ:
đồ gốm và tạc đá vẫn còn ở trong tay họ cho đến ngày nay.
Họ thứ nhứt là họ Trầm (không phải Trần). Ông Trầm mà chúng tôi biết,
tuyệt tự và qua đời năm 1931. Ông nói rằng tổ ông lấy vợ, năm cụ ấy 45
tuổi, hồi cụ ấy sang đây cụ mới 20 tuổi. Đó là một người đàn bà Tàu mà cụ
nhờ đưa từ Phúc Kiến sang.
Suốt 10 đời liên tiếp tức từ đời lưu vong đến đời ông lão mà chúng tôi
biết, trong họ đó không có ai lấy vợ Việt hết, vì họ đó thành công lớn, có
tiền nhiều để dám xài cái xa xỉ phẩm là rước phụ nữ bên Tàu sang đây, vào
cái thuở đường sá, tàu bè khó khăn.
Ông lão nói tiếng Việt rất thạo, vì ông là người thổ sanh, nhưng cứ còn
“ắc xăng” (accent) Phúc Kiến y hệt như một người Phúc Kiến mới sang lối
20 năm. Ông giữ phong tục Tàu y hệt như người Tàu sang đây làm ăn
không lâu, và không có một dấu hiệu nào cho thấy ông bị đồng hóa đôi
phần với người Việt.
Họ Trầm chỉ khác các họ giàu có khác là không có đưa hài cốt tổ tiên về
Tàu, một thói quen mà người Tàu có của luôn luôn làm, vì mến yêu đất tổ.