Màu da của dân Việt Nam ngày nay cũng không sáng bằng màu da của
người Hoa Nam. Tầm vóc của ta lại bé nhỏ hơn tầm vóc của người Hoa
Nam một cách rõ rệt.
Ai có thấy người Mường, mới biết được rằng dân Lạc Việt không có biến
dạng đáng kể. Người Mường chỉ sậm màu da hơn dân Hà Nội thôi, chớ
không khác dân Hà Nội chút nào hết. Nhưng sự kiện sậm màu da ấy không
phải một tánh cách nhân thể, mà chỉ là việc dạn nắng dày gió mà thôi. Thứ
nữa, dân Việt Nam đã qua hai ngàn năm rồi kể từ lần hợp chủng thứ tư đó,
và cái vốn ba bốn ngàn người Trung Hoa lai của buổi đầu, lai đi lai lại mãi,
thì dầu ít, nó cũng đi vào chủng Việt, nhờ tánh cách lâu đời ấy.
Không có tài liệu nào hết về cuộc hợp chủng ở Giao Chỉ, nên ta sẽ lấy
cuộc hợp chủng Nam Kỳ năm 1680 để làm chứng tích và ta cũng sẽ thấy
rằng người Tàu cứ là thiểu số không đáng kể.
Cuộc hợp chủng năm 1680 là hình ảnh rất trung thành của cuộc hợp
chủng ở Giao Chỉ và mặc dầu không biết chuyện xưa ta vẫn phục hồi
chuyện xưa ấy lại được một cách huyền diệu.
Chúng tôi nói Việt Hoa mà không nói Hoa Việt không phải vì tự tôn mặc
cảm, mà vì yếu tố Hoa quá ít, danh xưng Hoa phải ngồi ở hàng ghế thứ nhì
vậy.
Chúng tôi đã theo dõi cuộc hợp chủng nầy vào thế hệ thứ 10, tức vào
năm 1931 (theo dõi vì tò mò chớ không phải để ngày sau viết sách nầy).
Cuộc tị nạn chánh trị của hai tướng Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch
thì ai cũng đã biết rồi cả, không phải nhắc lại làm gì. Cuộc xin sáp nhập của
Mạc Cửu thì không đáng kể về mặt hợp chủng, bởi người Tàu ở Hà Tiên
quá ít.
Chỉ cần nói thêm chi tiết nầy là ba ngàn người lưu vong ấy gồm các
nhóm sau đây: Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ và Quảng Đông.