Cả hai đợt Mã Lai đều thờ Nai, y hệt như nhau, chớ không riêng gì là đợt
II, nhưng ta đã bắt được bằng chứng sống, trong xã hội người Mường, nên
tưởng rằng đó chỉ là vật tổ của bọn đợt II.
Và xin nhấn mạnh một lần nữa là nai khắc ở trống đồng là con Renne,
chớ không phải con Cerf, mà con Renne thì chỉ có ở Hoa Bắc cách đây
5.000 năm, chớ không bao giờ có tại Cổ Việt. Đó là vật tổ lâu đời nhứt của
dân Mã Lai, xuất hiện tại địa bàn thứ nhì của họ là Hoa Bắc, chớ không
phải tại Cổ Việt.
Các ông Tây bảo đó chỉ là hình trang trí, nhưng các ông không hề biết
rằng người Mường thờ vật tổ là con nai, trong khi đó thì hình trang trí là
chim, lại bị các ông gọi là vật tổ vì các ông không hề biết các dân Mã Lai
giắt lông chim trên đầu để chơi, chớ không phải để đồng hóa với con chim
nào hết.
Các ông lại bảo hình nai trang trí là bắt chước lối trang trí của dân khác,
nhưng mời các ông đọc Abadie, các ông sẽ kinh ngạc mà thấy dân Thổ thêu
mũi giống nông dân Pháp và có lẽ các ông sẽ nói người Thổ bắt chước
người Pháp.
Trong các cổ vật đồng pha, hình nai nhiều hơn hình chim. Nhiều lưỡi rìu
có hình nai mà không có hình chim bao giờ, thế thì nai phải quan trọng hơn
là chim.
Người Tàu cũng biết dân Lạc Việt thờ nai, thế nên mới có địa danh Mê
Linh. Mê Linh là con nai linh thiêng. Đó là địa danh chữ Nho chớ không
phải chữ Nôm mà nói là địa danh đó do ta đặt. Như vậy là đã có nhơn
chứng rồi.
Nhưng nhơn chứng đáng tin cậy hơn hết là hiện nay người Mường thờ
nai, như ta đã thấy khi nghiên cứu về người Mường.