Như ta đã thấy, qua nhiều chương trước rằng Lạc chỉ là một giai đoạn
phiên âm sai chữ Lai mà từ đời Tây Chu, Tàu mới tiến đúng được từ Lê đến
Lạc rồi đến Lai.
Và Tàu biết quá rõ Lạc là gì. Con chim Lạc, họ viết với bộ Điểu, còn
những tự dạng Lạc dùng để chỉ dân Lạc, không bao giờ được viết với bộ
Điểu cả. Nếu ta thờ chim Lạc, hẳn họ phải biết, và họ đã chỉ ta bằng chữ
Lạc bộ Điểu rồi. Nhưng không bao giờ có chuyện đó, trong thư tịch Trung
Hoa.
Những cái mà những con người trong đó cầm nơi tay hoặc dùng làm
chày giã gạo, các ông Tây cũng cứ nói là lông chim, lại chưa chắc là lông
chim, như chúng tôi sẽ chứng minh sau đây.
Hình khắc ở trống đồng thau, phải được nghiên cứu lại, chớ không thể
nhắm mắt tin theo các ông Tây. Chúng tôi đã dùng một cái lúp để nhìn
những vật mà các ông Tây gọi là lông chim (vũ) và chúng tôi thấy rõ ràng
đó là tàu cau, chớ không thế nào là Vũ được hết.
Quả thật thế. Một cái vũ gồm hai bên, cả hai bên đều là Mao. Đằng nầy
những cái Vũ trong trống lại chỉ có một bên Mao thôi.
Đó là cái tàu cau đang được dùng, luôn luôn người ta chặt cho ngắn bớt,
nhứt là tước bớt một bên. Các ông Tây đó không hề thấy dân Việt Nam
dùng tàu cau, nhứt là dân Nam Kỳ là nơi có nhiều cau. Xin nói rõ hơn,
muốn dùng tàu cau, người ta tước bỏ một bên lá. Đúng là hình khắc của
trống như vậy đó. Rồi người ta chặt tàu cau cho ngắn bớt. Cái Vũ trong các
hình cũng bị cắt ngắn như tàu cau bị chặt bớt. Cái bên còn lá, lá vẫn bị hớt
cho ngắn đi.
Hình khắc ở trống như vậy đó. Đó là hình ở trống Saigon, nhưng trống ở
các nơi khác cũng như vậy.