Trước hết, trên các cổ vật, có hình của quá nhiều loại chim khiến ta khó
lòng mà nhận rằng chim là vật tổ của Lạc Việt. Bằng như cho rằng mỗi thứ
chim đại diện cho mỗi bộ lạc, thì lại có quá ít chim.
Chúng tôi thấy đại khái có hai loại Chim trên trống đồng thau:
1. Một loại thường
2. Một loại chim nước
Chim nước, Pháp gọi là Oiseaux aquatiques, Tàu gọi là Thủy điểu, gồm
những thứ ăn cá, chúng ở biển, ở sông ngòi hay đầm ao. Tất cả đều cẳng
dài, cổ dài, mỏ dài. Như loài công, cẳng dài mà mỏ không dài, nên không
bắt cá được, không là thủy điểu.
Trên trống Ngọc Lũ, ta thấy nơi hông trống, giữa hai thuyền, một con,
thuộc loại chim nước, đối diện với 1 con cũng cẳng dài nhưng mỏ lại rất
ngắn, tức không phải thủy điểu.
Ở mặt trống, nơi vành có hình thứ nhứt, tính từ ngoài vào trong và không
kể những vành khác hình kỷ hà học, thì lại có một thứ chim cẳng dài mỏ
cũng dài nữa, nhưng khác chim nước ở hông trống rõ rệt. Đây là thứ chim
của nắp bình đồng Đào Thịnh.
Loại chim nước nầy có tất cả 5 thứ vì chim ở hông bình đồng Vạn Thắng
lại là thứ khác nữa, và giữa những con chim nước ở vành 1 Ngọc Lũ nói
trên, lại có hai thứ chim nước rất nhỏ. Tóm lại Ngọc Lũ có 3 thứ chim
nước, Đào Thịnh 1 và Vạn Thắng 1. Cộng lại là 5 loại chim nước.
Chim chung vành loại 2 là ở bình đồng Đào Thịnh, cẳng dài mà mỏ lại
quá ngắn, ngược hẳn với chim thường thứ 1.
Vành 1 Ngọc Lũ có 1 thứ chim kỳ dị giống kẻ âu sầu, mỏ ngắn, đầu cúi
xuống nhìn đất. Đó là chim thường loại 3.