được gì khả dĩ có sức nặng đáng kể, ta phải xem các đời vua Hùng là huyền
thoại như Hồng Bàng chẳng hạn.
Nhưng chúng tôi đã tìm được cái gì, ở các trang trước đây mà chúng tôi
đã lưu ý quý vị đến những chi tiết đó rồi. Thứ nhứt người Mường có nói
đến vua Hùng Vương. Nhưng điều đó không phải là chứng tích, vì quý vị
và chúng tôi cũng có nói đến vua Hùng Vương nhưng không vì thế mà vua
Hùng Vương đã có. Nhưng không, người Mường nói đến vua Hùng Vương
khác ta. Ta nói đến vua Hùng Vương bằng giọng kính cẩn của kẻ biết sự
thật thật sự, hoặc của kẻ ngộ nhận đó là sự thật. Còn người Mường thì ăn
nói bằng lời lẽ một nhơn chứng trung lập, không kính cẩn cũng không
khinh miệt, tức họ không có ngộ nhận gì mà là kẻ biết sự thật. Cái sự thật
đó là họ chỉ là khách trọ chớ không phải con dân của vua Hùng Vương. Thế
thì ta kết luận được rằng vua Hùng Vương quả có thật. Ông ấy là Lạc bộ
Trãi + Lạc bộ Chuy, và đã đón tiếp Lạc bộ Mã từ Hoa Nam di cư đến. Họ
đến rất đông, vì có bằng chứng là trước khi đi Nam Dương, họ đã định cư ở
Hòa Bình (cổ tích bà chúa On đối chiếu), nhưng rốt cuộc chỉ còn có một
nhóm nhỏ là người Mường.
Trong cuộc nghiên cứu trống đồng Đông Sơn, có một vấn đề mà các nhà
bác học Tây phương gần như là đồng ý với nhau tức khắc, không có tranh
luận nhiều như với các vấn đề khác: đó là to tem Lạc Việt.
Họ nói đó là Chim.
Phía Việt Nam cũng đồng ý theo, hơn thế, còn muốn xác định hơn Tây
nữa. Ông Đào Duy Anh cho là Chim Lạc, chớ không phải là bất cứ loài
chim nào.
Chỉ có một người độc nhứt là nói trái lại, ông Văn Tân. Tiếng chuông lẻ
loi ấy, thế mà đúng, mặc dầu không đúng hẳn.
Chúng tôi thử bác bỏ kiến giải chim của đại đa số, vì thấy nó sai rõ rệt.