Qua những gì ta vừa biết về người Mường, ta có thể kết luận về hai điểm
sau đây:
1. Họ không có đi trốn Tàu, vì không ai mà trốn gần đến như thế. Họ
chỉ bất hợp tác mà thôi. Tại sao địa bàn của họ toàn là ở những tỉnh
thượng du và trung du? Là tại họ đến sau, và lúc họ tới nơi thì thần
dân của vua Hùng Vương đã chiếm hết cả các đất đồng bằng phì
nhiêu rồi.
Khách trọ dĩ nhiên bằng lòng với những gì chủ nhà biếu cho, chớ
không thể giành món ngon như quân xâm lăng.
Ở những nơi khác: Chàm, Nhựt Bổn, họ hơn hẳn bọn lưỡi rìu tay
cầm nên họ đuổi đợt I lên núi rừng để cướp đồng bằng, còn ở Cổ Việt
thì tình trạng ngược lại.
2. Người Chàm và người Mường là một thứ người với nhau, tức là Mã
Lai đợt II, tức Lạc bộ Mã. Ta thường băn khoăn tự hỏi những tù
binh Chàm mà ta bắt về Thăng Long, về sau nầy, rồi đi đâu, và
không thấy dấu vết gì của họ cả, ngoài những công trình chạm trổ ở
các đền chùa đời Lý. Nhưng khi ta biết rằng Mường và Chàm là
một thứ người với nhau thì ta có thể hiểu rằng tù binh Chàm hẳn đã
được cho định cư cạnh người Mường để khẩn hoang làm ruộng và
họ thành người Mường hết mà không hay. Cả hai thứ người đó đều
nói Pơ-đai, Pơ-đuông, chớ không nói lúa gạo như ngày nay. Đất của
họ xấu, nhưng chỉ tương đối xấu thôi, đối với châu thổ, chớ không
xấu tệ, và chính vì cái đất tương đối có hạn, nên một số thiếu đất
sinh sống, phải di cư đi Nam Dương, nếu vua Hùng Vương mà
không có đuổi bớt, họ cũng tự động đi, bởi cướp đất tốt không
được, mà đất xấu và tương đối ở được đã hết rồi, thì chỉ còn một
cách là di cư lần thứ nhì vậy.
Nhưng đi tới Nam Dương rồi vẫn chưa yên thân vì rồi họ còn phải di cư
lần thứ ba đi Mã Đảo và Mỹ châu để biến thành người Hova và Mayar.