Cũng ở vành đó còn hai thứ chim thường nữa không tả được vì hình
không rõ.
Thế là 5 thứ rồi.
Chim bay trên thuyền là thứ 6.
Chim trên nóc nhà có 3 loại tức 9 loại tất cả.
Chim thứ 10 là một tượng đồng riêng, tạm gọi là chim Yên Bái, hơi
giống chim sẻ.
10 loại chim thường và 5 loại chim nước tất cả.
Ta có 15 bộ lạc chăng? Hẳn là không. Ta phải gồm ít lắm là 50 bộ lạc
hoặc là 1, tùy đã thống nhứt hay chưa.
Có những người sẽ muốn thấy đó là tượng trưng cho 15 bộ của nước Văn
Lang nhưng không phải đâu. 15 bộ ấy, nếu quả có, thì đó là 15 đơn vị hành
chánh lớn nhứt của nước Văn Lang, chớ Bộ đó không hề có nghĩa là Bộ lạc
vì Văn Lang đã thống nhứt rồi.
Bộ = Bộ Lạc thì cũng không đúng vì cái lẽ không phải trống nào cũng có
đủ 15 thứ chim, như ở hình trống Đào Thịnh chỉ có 2, 3 thứ thôi.
Có một nhà học giả muốn thấy tượng trưng của 18 đời Hùng Vương
trong ngôi sao 18 nhánh của một mặt trống, chỉ phiền là có trống, ngôi sao
lại nhiều tới 24, có trống chỉ 12 thôi. Những sự ngẫu nhiên trùng hợp rất dễ
đưa ta đến sai lầm. Nếu chẳng may ngôi sao nào cũng 18 nhánh thì cái
thuyết liều lĩnh tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương thật là khó bác.
Xem thế, ta đủ thấy thuyết vật tổ của Lạc Việt là loài chim không có một
sức nặng nào hết. Còn thuyết chim Lạc của Đào Duy Anh còn sai hơn
nhiều, vì có rất nhiều chim không phải là chim Lạc chút nào.