Bộc tức Mã Lai đợt I ở Hoa Bắc nói Chơn còn Việt, tức Mã Lai đợt II ở
Hoa Nam, nói Cẳng.
Tức đã có sự hỗn hợp giữa hai đợt, ngay từ thời Hiên Viên rồi. Cuộc hỗn
hợp ở Cổ Việt chỉ là cuộc hỗn hợp thứ ba, cuộc hỗn hợp thứ nhì xảy ra giữa
sông Hoàng Hà và sông Dương Tử.
Trong cuộc hỗn hợp thứ nhì bị Hùng Cừ đánh diệt, có một thứ dân tên là
Bộc Việt làm chủ nước Bộc. Việt là tên dân ở Kinh Man. Nhưng Bộc là tên
dân ở Hoa Bắc, trong nhóm Bách Bộc Đông Di.
Vậy Bộc Việt là Mã Lai đợt I và Mã Lai đợt II đã hỗn hợp nhau tại nước
Bộc ở bờ Đông sông Hán, và đã lãnh đạo tất cả mọi nước Việt liên kết.
Thế thì dân Bộc Việt nầy giống hệt dân Lạc Việt vừa nói Chơn lại vừa
nói Cẳng, nếu tổ tiên ta không là con cháu của Bộc Việt nầy thì cũng giống
hệt Bộc Việt nầy. Nhưng ta sẽ thấy rằng rồi bọn nầy cũng sẽ chạy đi xuống
phương Nam, tức dân ta gồm Bách Bộc đi đường biển và Bộc Việt đi đường
bộ.
Và Bộc đường biển là Mã Lai đợt I, còn Bộc Việt là Mã Lai hỗn hợp hai
đợt I và II.
Vào thuở đó, ở hướng Đông, sát bờ biển, thình lình một quốc gia mới,
được thành lập. Đó là nước Ngô. Các sử gia Âu Mỹ và Trung Hoa cứ nói
rằng nước Ngô được dựng lên do cán bộ Trung Hoa lãnh đạo man di Việt, y
như trường hợp Sở.
Nhưng chúng tôi đã trích dẫn Khổng Tử và cho thấy rằng không phải thế
và nước Ngô hoàn toàn Việt, Việt một trăm phần trăm. Không thể nào mà
nghĩ rằng Khổng Tử bịa láo, vì Khổng Tử rất khinh Việt, quan niệm Hoa
chủng là hơn tất cả mọi chủng tộc khác. Khi ông thánh ấy nói rằng Ngô là
Việt thuần chủng là ta phải tin ông vậy.