Sở dĩ họ được gọi là lá vàng, vì họ sống lang thang, che chòi bằng nhành
cây mà ở tạm nơi nào đó, đến chừng lá các nhánh cây vàng úa thì họ bỏ
chòi mà đi, bởi thực phẩm quanh họ đã hết rồi, mà nhứt là họ sợ bị lộ tung
tích, y như ở Quảng Bình.
Còn sở dĩ người Lào gọi họ là „Mọi“ (Khả) còn người Việt gọi là Quỉ vì
người Việt không thấy họ, chỉ gặp chòi, còn người Lào thì có thấy, có biết,
và ông A. Fraisse sở dĩ tìm họ được nhờ người Khả văn minh hướng dẫn
vào rừng núi.
Ông A. Fraisse cho biết một chi tiết sau, rất là quan trọng, là cái làng ông
tới được, chỉ đông có 10 người, vậy mà có hai chủng tộc trong đó, chủng
Cổ Mã Lai cao 1m70, nước da màu thổ chu (Xích quỉ đấy, ông Nhượng
Tống ơi!) chủng nầy lãnh đạo, còn chủng bị lãnh đạo chỉ cao 1th50, nước
da đen, tóc còn khá quăn quíu, tức là đã có hợp chủng chút đỉnh với cấp
lãnh đạo.
Tại sao bọn sống lang thang ấy lại có lập làng? Là vì ở Lào mỗi năm có
nước lụt một lần và vào mùa lụt lội thì họ không đi lang thang được nữa
nên họ lên núi lập làng sống tạm, qua mấy tháng lụt rồi thì họ mới đi kiếm
ăn được.
Cấp lãnh đạo không ai đâu xa lạ. Họ là người Khả lá vàng đồng chủng
với người Khả văn minh sống gần người Ai Lao, họ nói tiếng Khả. Chính
người hướng dẫn và thông ngôn cho ông A. Fraisse là một người Lá vàng
đã bỏ nhóm về sống với Lào và được chúng tôi tạm gọi là Khả văn minh, và
mang về chợ một người vợ thuộc chủng Mê-la-nê.
Năm xưa người phụ tá với cố đạo L. Cadière là cha sở P. Guignard không
biết làm cách nào mà ghi được vài câu nói của người Quỉ lá vàng và xem
lại thì đó là một thứ tiếng Việt cổ sơ hơn tiếng Mường nhiều lắm. Nay ông
A. Fraisse xác nhận rằng người Khả lá vàng nói cái thứ ngôn ngữ Việt cổ sơ
đó.