biến cố, những đổi thay thăng trầm của rất nhiều triều đại, là
mảnh đất đã chứng kiến những anh hùng, những thi sĩ mà lịch sử
không thể quên. Chỉ một triều đại như nhà Đường thôi, chuyện về
những hào kiệt như Lý Thế Dân, Tần Thúc Bảo, Uất trì Cung, Chử
Toại Lương, Trương Tôn Vô Kỵ, Địch Nhân Kiệt… chuyện về những
phụ nữ danh tiếng như Võ Tắc Thiên, Thái Bình Công Chúa,
Thượng Quan Uyển Nhi, Dương Quí Phi… chuyện về những thi nhân
như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Trần Tử Ngang, Thôi Hộ, Trương Tịch… đã là
những hấp dẫn muôn đời cho hậu thế. Trường An cũng nổi tiếng
với những phố xá, cửa hàng, kỹ viện, chợ búa ồn ào đông đúc rầm
rập suốt đêm ngày. Tuy ở mặt này danh tiếng của Trường An không
thể sánh cùng Tô Châu, Hàng Châu song cũng là một vùng đất hứa
mà nhiều người khát khao được chiêm ngưỡng.
Nguyễn Du có một nhược điểm là giao tiếp vụng về nên rất khó
kết bạn dọc đường đi. Anh không thích những người ồn ào hoặc tỏ
ra sốt sắng nhiệt tình quá mức, anh ngại những nơi quán xá, những
chỗ phải chen chúc nên suốt ngàn dặm hành trình hầu như anh chỉ
một thân một mình. Trừ một số ngày ốm đau, may mắn là Nguyễn
Du không gặp phải một trắc trở nào đáng kể. Thanh đoản kiếm anh
gói trong tay nải cũng không phải sử dụng lần nào. Nhưng bộ kim để
châm cứu thì phải dùng nhiều. Rất nhiều lần trên đường Nguyễn
Du bắt gặp những trường hợp trúng gió, bị co giật tay chân, bị méo
mồm hay lệch mặt, anh đều sốt sắng ra tay tế độ. Chỉ một vài
mũi châm khai thông huyệt đạo, người bệnh nhanh chóng bình phục.
Nhiều lần tá túc ở một nhà ai đó, bắt gặp có người đau ốm hoặc
có việc cúng tế cầu an, cầu siêu, Nguyễn Du bỏ ra cả buổi để làm lễ
tụng, rồi cũng rảy nước cành dương mong cho mưa thuận gió hòa,
cho may mắn phong quang, cho mua may bán đắt… Thường thì
Nguyễn Du ghé lâu hơn ở những ngôi chùa. Anh có thể từ đó ban
ngày đi dạo chơi ngắm cảnh trí và thăm thú những linh tích, những
dấu ấn nổi danh, đêm đến trở về đọc Kinh Kim Cương, Tâm