làng đều rất quí mến! Thấy thầy nhà nghèo, các lớp học trò đã
có một nghĩa cử, chung tay dựng cho thầy một căn nhà khang trang,
ngay gần bến trúc Nghi Tàm. Khu nhà không có gì bề thế to cao,
chỉ vừa phải, xinh xinh, có chỗ bếp núc, hậu cần, có buồng riêng,
có nhà tiếp khách, lại có cả một gian kế bên bày bút, mực, giấy
sách để cô con gái thầy là Xuân Hương bán cho học trò thầy. Nhà
cũng có vườn rộng, chung quanh trồng nhiều mơ, trong vườn
trồng hoa để bán, còn trước sân thì có một cây bàng lớn tỏa bóng
mát. Trong bữa tiệc hạ công có học trò xin phép gợi ý cho thầy đặt
tên khu nhà là Cổ Nguyệt Đường khiến thầy rất vừa ý vì theo lời
chiết tự chữ “cổ” ghép với chữ “nguyệt” là chữ “Hồ”, họ của thầy.
Học trò đến Cổ Nguyệt đường rất đông song không phải ai cũng
theo học thầy đồ Diễn. Nhiều anh chỉ mượn cớ hỏi chữ, hay mua
bút giấy để được làm quen, được nói chuyện với con gái của thầy là
Xuân Hương khi ấy mới mười sáu mười bảy tuổi. Ở cái tuổi dậy thì
khi ấy, Xuân Hương xinh lắm, lại khá nghịch ngợm, sắc sảo nên
nàng thật sự là một hấp dẫn của các thầy nho. Xuân Hương là con
gái duy nhất nên ông bà thầy đồ Diễn rất chiều chuộng. Xuân
Hương sắc sảo, học chữ Hán, chữ Nôm rất nhanh lại cũng biết làm
thơ, biết ứng đối.
Đám học trò kể rất nhiều những câu chuyện hài hước về Xuân
Hương. Một hôm, nàng đi hái sen ngoài hồ về, trời mưa nên vội
vàng, không may trượt chân ở một chỗ trơn quá, ngã ra trước sự
chứng kiến của không biết bao nhiêu cặp mắt bọn học trò tinh
nghịch! Nhưng Xuân Hương đã lập tức chỉnh trang lại váy áo và đọc
luôn câu thơ:
Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.