Nguyễn Du cho Cai Gia rèn cặp. Cai Gia thấy Nguyễn Khản hiểu
mình nên càng gắng sức giúp cho Nguyễn Du.
Giờ đây, Nguyễn Du đã trưởng thành. Cũng đến lúc tự tìm cho
mình một sự nghiệp. Cuộc chia tay cũng là một điều cần thiết đối
với mỗi con người. Tuy nhiên, “bi mạc bi hề sinh ly biệt” (buồn thì
không gì bằng đang sống mà phải chia tay), có cuộc chia tay nào
mà không bịn rịn. Cai Gia là người cứng cỏi thế mà giọng cũng cứ
như vỡ ra.
-Anh vẫn phải dặn chú thêm mấy điều. Càng đi vào Trung
Nguyên càng xa lạ. Ở đó con người, tập tục không như đất Lưỡng
Quảng này. Chú tuy có đoản kiếm trong tay song lại không phải
kiếm khách nên chỉ được rút dao khi tình thế quá quẫn bách. Anh
đã chuẩn bị thêm cho chú một bộ kim châm cứu để đi đường. Chú đã
nắm vững huyệt mạch, kinh lạc trên cơ thể người thì bộ kim có thể
giúp chú chữa những bệnh thông thường như trúng gió, méo mồm,
co giật tay chân mà người ta hay gặp. Như thế vừa có thể giữ được
thân lại có thể kiếm sống qua ngày.
Nguyễn Du cảm động nhận bộ kim châm cứu bằng bạc từ Cai Gia.
Anh thực lòng biết ơn người thầy, người anh có tấm lòng bao
dung, rộng lượng. Thì ra Cai Gia đã âm thầm lo toan, dự liệu những
điều tốt đẹp nhất cho Nguyễn Du.
Đêm trước khi chia tay, Nguyễn Du trằn trọc không tài nào ngủ
được. Anh hướng mọi sự biết ơn âm thầm đến Cai Gia. Nguyễn Du
nhớ tới nhiều kỷ niệm của hai người. Anh chưa làm được điều gì để
tạ ơn Cai Gia, cũng không nói được điều gì. Anh cứ băn khoăn,
không biết anh cả có hiểu tâm can không. Trong sâu thẳm lòng
mình Nguyễn Du đã hoàn toàn xem Cai Gia là người ruột thịt.
Nguyễn Du chỉ có mỗi một cách mượn giấy mực để tỏ lòng mình.
Anh vùng dậy, châm đèn thảo liên tiếp mấy bài thơ.