và bị áp chế, giữa người đói khổ và kẻ thừa mứa, giữa dân nô lệ, đồng bào
đồng chí và bọn bóc lột, bọn cai trị khác máu tanh lòng?
Hay nói theo cách nôm na của ngày ấy thì là dân ta, dân "An Nam" ta
vẫn cứ chống lại chính phủ cai trị, chống lại chính phủ Pháp và người Pháp
cai trị. Ghê dữ hơn là ở xứ Đông Dương và ở ngay tỉnh Nam Định, ngay
giữa thành phố Nam Định của tôi cũng có cộng sản, có những người làm
cộng sản. Họ vừa chống lại chính phủ cai trị, vừa mưu đồ cho mọi người
nghèo đói, khổ cực được ấm no, không bị đè nén, áp chế, và tất cả của cải,
nhà máy, ruộng đồng đem chia cho nhau, cùng nhau cai quản làm ăn...
Khu "trong tỉnh" ấy lại càng nhiều cái lạ đối với tôi, và tôi lại càng tò
mò tìm tòi, nghe ngóng, tha thẩn ở đây. Bà tôi cho biết ngày Tây chưa hạ
thành nghĩa là chưa chiếm tỉnh Nam Định, thì "trong tỉnh" là cả một thành
trì trong hào, ngoài lũy, bờ thành ngựa chạy được, cột cờ và các cửa đều đặt
súng thần công. "Trong tỉnh" chỉ có ba quan lớn ở và dinh trại, kho tàng
Quan tổng đốc hay còn gọi là quan thượng có việc ra phố hay đi đâu thì
cưỡi voi, rầm rập quân hầu, tiền hô hậu ủng.
Tất cả thành trì dinh trại nay chỉ còn một mảng thành lối cửa Bắc.
Trường học tôi xây trên bờ thành đó, cạnh có trại lính khố xanh, trông sang
tòa án ta. Sở mật thám và đề lao gần ngay tòa án. Đề lao xưa là kho thóc
của cả tỉnh để nuôi quân trong thành, tường đá ong kiên cố, giờ xây thêm
mấy lần tường cắm mảnh chai, mắc dây điện và lắp cổng sắt, hai góc phía
trước có hai lô cốt rất cao, tầng nào cũng có lỗ châu mai, hàng trăm lính
gác trấn giữ vẫn thừa chỗ.
Ôi chao! Cứ mỗi khi qua lại, chỉ liếc nhìn vào mấy nơi như nhà xác
của nhà thương, những xà lim của sở mật thám hay những tầng lô cốt và
nóc đề lao, tôi đều thấy gai gai chờn chợn mà vẫn cứ phải nhìn mà tưởng
tượng thêm và suy nghĩ đến bao nhiêu chuyện tra tấn, cùm kẹp, bắn, chém,
tù đày.