chạy vù đến nhà thương. Tôi sấn vào phòng phát thuốc, kiễng chân, rúc
người giữa đám bệnh nhân đông nghịt, hôi hám quá chừng, chìa đơn thuốc
và các chai ra. Rồi lại xách túi thúc "Thoại phong câu" chân, phóng về
trường. Vẫn kịp đá bóng, đá cầu hay đánh mấy ván đáo.
Những ngày thứ năm thì nhàn quá! Muốn đi sớm đi muộn tùy thích.
Nhưng tôi thường chọn lúc nhà thương đông nhất, có cả tù đi làm cỏ vê xin
thuốc. Qua những câu chuyện của những người này, tôi càng bị kích thích
vì những tin, những vụ mật thám khám xét, bắt bớ, tra tấn và tòa án hỏi
cung, xét xử. Tôi càng băn khoăn muốn biết, muốn thấy những người làm
chính trị, làm cộng sản gan dạ, kỳ lạ, phi thường kia là người như thế nào?
Cuối năm 1929, qua Giêng hai năm 1930, rồi đến gần vụ nghỉ hè, tôi
càng nghe nói đến hai tiếng chính trị và cộng sản nhiều hơn. Tới khi bạo
động Yên Bái bị dập tắt, tên tuổi và địa danh của các nơi khởi nghĩa dần
dần chỉ còn ngùi ngùi trong dư luận, thì tôi bỗng thấy có một sự sôi sục hẳn
lên, và rất khác lạ. Trước còn nhiều xóm, nhiều phố, sau hình như đâu đâu
trong tỉnh cũng có nhà bị bắt, có người bị bắt vì làm cộng sản. Nhất là ở
những xóm, những ngõ, những phố có nhiều thợ: những thợ máy sợi, máy
tơ, máy chiếu, máy rượu, máy chai, máy nước, máy điện... Những người bị
bắt này, kẻ thì tôi được biết ở thật nhà nào, làm ăn, tính tình, tiếng tăm ra
sao, và thật tôi đã có lần nhìn kỹ mặt; kẻ thì em hay cháu họ đi học với tôi.
Chính những quãng đường họ đi tầm, về tầm và làm những việc bạo thiên
nghịch địa như rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm và đình công, mét tinh,
v.v... tôi cũng thường qua lại.
Thế ra những sở mật thám với các buồng "săng tan", nào hòm điện, roi
sắt, nước vôi, xà phòng, các thanh tra, cẩm khét tiếng ác đòn, dữ đòn, điên
đòn, hiểm đòn, và những đề lao bốn năm lần tường đá với các xà lim bốn
năm lần xích khóa kia... vẫn không đáng sợ! Nghĩa là nó không thể giữ yên
được cái cảnh sống trái ngược giữa cùng cực và giàu sang, giữa quyền hành