Cha tôi lại ngồi bó gối, trông ra ngoài buồng. Cái thân hình còm cõi và
xanh xao lịm đi như một pho tượng chết. Chạy từ trường về nhà, tôi vào
ngay giường cha tôi, đưa cho cha tôi bó phần thưởng. Tất cả có ba quyển:
quyển in tên học trò các trường được thưởng và danh vị các quan chủ tọa
kỳ phát thưởng, một quyển đề "Cách nuôi tằm tơ" mà tôi không thấy bày
bán bao giờ, và một quyển sách dạy tính cũng bằng tiếng Pháp, nhưng là
loại sách chỉ để con Tây học hay dạy trẻ con học ở bên Tây...
Tháng mười năm ấy cha tôi mất. Bó phần thưởng cho điểm cao về tập
đọc quốc văn của tôi có ba quyển sách tiếng Pháp kia, thỉnh thoảng tôi đi
chơi về lại thấy cha tôi giở ra xem. Cha tôi để nó ở đầu giường, cạnh cái
gối gỗ rỗng, nơi cất cái ví da cũ mà lúc khiêng xác cha tôi ra gian nhà
ngoài, tôi lục tìm thì thấy còn một hào bạc và hai đồng xu. Trong gối còn
một gói bánh Trung thu của một người họ cho, cha tôi ăn dè, vẫn còn mấy
miếng đã khô và có chỗ hơi mốc...
Đầu năm 1930 ấy, giữa lúc lệnh đốc học cấm ngặt nhưng nhờ thầy
giáo H. thích cá, thích hoa nên tôi đã được ra ngoài đầm và ngoài hào xa
trường học, lang thang, bắt cá, kiếm rêu. Rồi cũng vì cha tôi ốm, nên tôi
được vào khu nhà thương liền với khu đề lao và sở mật thám ngay cả giờ
học.
Nhà thì xa, cha tôi vừa yếu quá, vừa không có tiền thuê xe kéo, nên tôi
phải đi lĩnh thuốc hàng ngày. Nghe cha tôi nói chuyện, thì người y sĩ mà ai
nấy đều gọi là quan đốc tờ trông coi việc khám xét và cho thuốc khu nhà
thương "làm phúc" bây giờ, đã có thời kỳ học cùng với cha tôi ở một
trường dạy cả chữ Nho và chữ Tây. Chắc vì có lời dặn của quan đốc, nên
ông ký nhà thương già rất hắc, xếp phòng "làm phúc", đã phát thuốc cho
cha tôi trước nhất và tôi được lĩnh thay. Toàn thuốc nước. Có bốn thứ:
thuốc ho, dầu cá, thuốc bổ canh-ky-na và thuốc vôi.
Sáng sáng, trống trường ra chơi chưa dứt, tôi đã nhổm lên và khi cửa
lớp vừa mở, tôi xách cái túi đựng bốn chai con, thúc "Thiên lý mã" chân,