dạy cùng lớp, tôi đã đánh bạo hỏi, nhưng chẳng được thầy nào cho biết thầy
H. còn dạy học, hay chuyển sang việc khác, hay đổi đi đâu. Kỷ niệm của
thầy H. trong cái năm rất ghi nhớ này càng thắm thiết. Cuối học kỳ, tôi thi
phần chữ Pháp của bằng Sơ học yếu lược lại không đỗ. Nhưng tôi vẫn được
thầy H. xếp phần thưởng. Chỉ là phần thưởng xoàng thôi, và tôi đứng hàng
bét. Anh em thì kẻ chín lần, kẻ mười lần được điểm cao và đọc tên trước
lớp, toàn về tính đố, và tập đọc chữ Pháp, luận chữ Pháp, ám tả chữ Pháp.
Còn tôi được có mỗi một lần và là lần tập đọc quốc văn.
Tôi không nhớ tên bài buổi thi đó. Cả lớp đều đọc và trả lời từng câu
thầy hỏi. Gần hết giờ, thầy trầm ngâm hồi lâu rồi thong thả lên tiếng:
- Ơn nhờ bảo hộ (27)xa gần đều vui... Hừ... hừ... Ơn nhờ "bảo hộ"...
Ơn nhờ "bảo hộ"..., - Thầy cười bĩu và dằn dằn hai chữ "bảo hộ"... - Có ai
thấy hai chữ nào hay hơn, thay được hai chữ của câu kết bài thơ không?
-----
(27) Tức là chính phủ bảo hộ Pháp.
Cả lớp im lặng, chỉ có đôi tiếng lầm thầm đọc lại câu thơ trên.
Tôi đã giơ tay xin phép đứng dậy. Tôi khoanh tay, rụt rè:
- Thưa thầy... thưa thầy... Ơn nhờ bảo hộ xa gần đều vui thì... thì thay
là: Ơn nhờ Tổ quốc xa gần đều vui... ạ ạ ạ...
Cả lớp đã quay lại nhìn tôi thêm, khi thầy giáo lặng nét mặt rồi gật gù,
tươi tỉnh:
- Được! Được!... Thay bằng hai chữ Tổ quốc, được! ... Ơn nhờ Tổ
quốc xa gần đều vui..., được!