đường trốn tránh, trỏ cho tôi hay và dắt tôi đi qua, thì cũng được tôi tôn
trọng như thế.
Tôi đã nhất định tin theo như một số dư luận, rằng đây chỉ là một
người khác mang tên Ký Con. Một người kính phục Ký Con chịu chết thay
để Ký Con sống mà tiếp tục trọng trách. Hay đây là một người bị sở mật
thám bắt phải nhận là Ký Con, chịu kết tội để tăng thanh thế cho bọn chúng
và làm vừa lòng những quan trên ở cả bên Pháp! Tôi lại kín kín hở hở đặt
ra những câu: "Giả dụ, hình như, nghe nói, nghe đồn, v.v..." mà bàn chuyện
với các bạn!...
Nhưng chính phủ Pháp đã đưa những người khởi xướng cuộc bạo
động Yên Bái đi xử bằng máy chém. Các báo đều đăng từng tên người bị
hành hình và ngày giờ hành hình... Tâm trí tôi đã có những phút đen sầm
lại và mênh mông thương xót. Những hốc cây, những bụi rậm và dưới chân
thành của cái trường cũ kỹ càng trở nên thân thiết khác thường. Những hòn
đá và những cành lá quý hiếm kiếm được trước kia bày làm bàn thờ những
anh hùng lịch sử, nay lại đặt thêm những tên tuổi mới mà tôi chỉ biết gọi là
những Nhà ái quốc. Những người bị chém ấy đã hiện ra ngời ngời trong hai
lòng bàn tay tôi đầy nước mắt và tiếng nước, tiếng nghẹn.
Tôi lại chịu Mình thánh của những Nhà ái quốc để thấy thêm một sự
bàng bạc trong trắng và nghiêm nghị như băng tuyết toát lên trong những
phút mà cả tâm hồn tôi hoàn toàn tê lặng đi thầm niệm những tiếng Non
sông, Nòi giống như người sùng đạo đọc lên tên chúa
Giê-su đến đoạn bị đóng đanh trên cây câu rút vậy.
Dạo này, thầy dạy tôi, người nhà quê còn trẻ, gương mặt rất hiền kia,
lại nhiều lúc buồn buồn và nghiêm nghị hơn. Thầy vẫn đội khăn xếp và nón
dứa, mặc áo the thâm, đi bộ ở một phố khá xa đến trường. Sau năm đó, tôi
không được biết tin tức gì của thầy cả. Thấy nói có nhiều thầy giáo làm
chính trị bị bắt, bị tù, tôi càng nghĩ đến thầy Ng.V.H. Gặp mấy thầy khác