Nhưng những người làm chính trị, làm cách mạng, làm cộng sản, cũng
như nhiều dân ta không sợ gì cả. Kẻ khiếp sợ chính là các quan lại, là chính
phủ Pháp có quân lính, gươm súng trong tay và cả máy chém. Cụ thể là
Sa-pu-la, công sứ đầu tỉnh tôi. Một hôm Sa-pu-la thấy báo tin ngoài
đường có mét tinh kéo cả cờ đỏ búa liềm và thợ đang diễn thuyết hô khẩu
hiệu ở vườn hoa nhà kèn ngay trước dinh của hắn giữa tầm thợ máy sợi,
máy tơ về, Sa-pu-la đã chạy cuồng ra cổng, đến giằng lấy cờ và cầm búa bổ
vào người công nhân. Anh công nhân đã không lùi bước còn cướp lại cờ,
ôm vào ngực, cứ hô khẩu hiệu và chửi Sa-pu-la.
Phải! Cuộc đấu tranh lịch sử này đã nổ ra ở khu nhà kèn và vườn hoa,
một trong những cảnh đẹp của thành phố nhiều người vẫn đến đây chụp
ảnh, và tôi đã nhiều lúc đánh bạo ngồi rất lâu trên ghế đá mà nghênh trời,
ngắm các ngọn cây, chùm lá, vòm hoa, chim bướm, và nghe gió reo, chim
hót. Cũng dọc đường này, thỉnh thoảng cỗ xe song mã của Sa-pu-la lại rong
đi chơi mát buổi chiều. Hai người xà ích quần trắng bốp, mũ hẹp vành kim
tuyến, cầm cương ngựa. Tiếng chuông, tiếng nhạc luôn luôn rung lên; vó
ngựa rào rào; mùi phấn sáp nước hoa ngào ngạt. Người hàng phố, kẻ đi
đường xớn xác trông theo như có vua chúa xuất hiện. Những ăn mày và
những người lam lũ rách rưới đều phải giạt cả vào trong hè. Cút lít, hộ phố
đứng lập nghiêm chào và giữ không cho một ai qua đường hay đi dưới lòng
đường.
Trong phong trào ngày đó, tên tuổi Tống Văn Trân và hai tiếng cộng
sản đã truyền đi khắp thành phố.
Tống Văn Trân cũng bị xử án chém. Tống Văn Trân bị giam rất chặt
trong xà lim. Ở đề lao, Tống Văn Trân cắn ngón tay lấy máu viết lên tường
một bài thơ. Bài thơ đó đúng là đã chắp cánh bay vượt ra với mọi người.
Nghe sự tích bài thơ cách mạng và tinh thần người tù cộng sản ấy ở ngay
tỉnh mình, tôi càng bị kích thích muốn được nghe nói về cộng sản và được
biết thế nào là làm cộng sản.