được?! Và ai đời lại đi kêu van, cầu xin một thứ "giời ơi đất hỡi" như thế?!
Và cũng ai đời lại phải quỳ lạy một sức độc ác vô hình, vô tri, vô giác,
chính nó đã tù đày, phá hoại đời mình?!
Những đêm đi qua nhà thờ hay những gia đình hàng xóm, nghe đọc
đoạn kinh Vực sâu, tôi lại nhớ đến bà tôi và càng thấm thía với những ý
nghĩ và sự suy luận trên đây. Tôi lại càng thấy, mặc dầu túng đói, khổ cực
khó khăn, trầy trật và cùng khiệt đến thế nào, tôi cũng không được thua
hoàn cảnh, không chịu ngã sấp dưới hoàn cảnh, hay bị chúi gục xuống cái
"vực" của xã hội bấy giờ!
Nghĩa là tôi phải có một công việc để những năng lực quý báu nhất
của tôi sử dụng và nảy nở. Một công việc để tôi được thể hiện những tình
thương yêu tươi đẹp nhất, mạnh mẽ nhất của tâm hồn tôi. Một công việc để
tôi sống với cái lý tưởng mà tôi thấy rằng cao quý. Một công việc để tôi
chống lại những điều mà tôi thấy càng bất công, xấu xa và độc ác. Một
công việc để tôi được gần gụi hơn, được nhập vào những con người, những
lớp người đông đảo lao động chịu thương chịu khó ở chung quanh tôi. Một
công việc để tôi được giới thiệu mình đang sống và sống có ích, tự trọng và
tự hào.
Tôi lại càng nhớ đến một câu chuyện cũng về cảnh nghèo, cảnh đói,
sức lập thân và cũng là của một học trò, bà tôi đã kể:
"Có một người con gái nọ đã phải suy nghĩ về một anh học trò trọ ở
cạnh nhà mình. Vì cứ đến quá trưa thì anh lại bẽn lẽn nói qua bờ rào mượn
cô gái cái nồi thổi cơm của nhà cô. Hai lần, ba lần, năm buổi rồi sáu buổi.
Cô ta lấy làm lạ nhưng cũng đánh bạo hỏi, thì chàng học trò bảo mượn nồi
để nấu nước uống... Cô ta càng sinh nghi, bèn rình xem anh nấu nước gì và
uống ra sao, thì thấy anh đưa nồi về chẳng rửa gì cả, mà đem giấu ngay vào
trong bếp và đổ có hai gáo nước. Anh nấu sủi kỹ thì múc "nước" ra bát, cho
muối, lấy cơm mà chỉ ngày ngày có bữa "cháo" như thế!