xã hội mà tôi càng phải suy nghĩ, càng phải so sánh rồi kết luận, thì càng
thấy rõ những sự bất công tàn ác, những sự xấu xa, thối nát của một lớp
người giàu sang quyền quý, được coi là mẫu mực, ngự trị mãi mãi, tưởng
như không bao giờ thay đổi!
Tôi không có ý và cũng không muốn ví bà tôi hay những người bị áp
bức bóc lột ngày đó là Đức Chúa
Giê-su. Vì tôi đã thấy trong đám người cùng khổ mà tôi quen biết,
nhiều người phải chịu nhiều cảnh tủi nhục, oan ức, tàn bạo, còn hơn cả
chúa Giê-su. Và họ không chỉ đi có một "quãng đường chịu nạn" mà hàng
trăm quãng đường và cả một đời người chịu nạn. Cũng như không phải chỉ
có một thứ quân dữ vác đòng, vác gươm, vác roi theo đánh họ cùng đường
và cuối cùng đóng đanh họ trên cây câu rút, mà còn cả những thứ quân dữ
ăn mặc rất phong nhã, mặt mày rất đạo đức, nói năng rất ngọt ngào, lời lẽ
cử chỉ rất hiền từ, nhưng mà chúa là ác vô cùng. Chính những kẻ này vừa
nhởn nhơ vừa phè phỡn, và vừa đôi phút làm ra vẻ nhăn nhó xót thương
trước không biết bao nhiêu con người bị chúng đóng đanh, suốt từ phút lọt
lòng mẹ cho đến lúc chết rũ trên cây câu rút của nghèo đói và tối tăm.
Nhưng cũng không phải chỉ có những câu rút và những hình tượng
đau thương đã in vào cái làn trắng tinh khôi của cả và lòng tôi, tâm trí tôi!
Còn có những gương mặt vằng vặc rực rỡ của Chung thủy, Nhân hậu,
Công bằng, Chính nghĩa, Chiến đấu, Chiến thắng và Hạnh phúc nữa. Với
những cô Tấm, Nhị Khanh, Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Thạch Sanh và biết
bao nhiêu hình ảnh và tên tuổi đã thành thơ, thành cổ tích mà bà tôi ngâm
nga và kể chuyện cho tôi nghe. Bên cạnh đó lại còn những anh hùng, danh
tướng, những công thần chống giặc giúp nước và những liệt sĩ, những chiến
sĩ cách mạng mà tôi được học, được đọc trong sử sách, báo chí thuở ấu thơ,
càng ngày càng đằm thắm, càng chói dọi. Đến tận giờ đây và mãi mãi tôi sẽ
mang theo vào đời viết văn lòng tin yêu vô cùng đó ở sự sống và tương lai.