Trong cái bòng mờ mờ xanh xanh của hành lang, bóng vợ Lân và Tiến
song song rồi dán lại làm một. Lân lờ mờ nghe thấy một giọng nói nhẹ rồi
như một tiếng tát má khẽ.
- Sao lại có thể như thế được?
Giời ơi! Cái tên bạn thường ăn ngủ ở nhà mình, thường chơi bời thâu
đêm suốt sáng với mình kia! Nghĩ tới cái đêm ấy, với những con mắt ấy,
với những giọng nói ấy, với cái bước đi ấy, với cái thứ tiếng hình như tát
má ấy, Lân thấy buốt chói cả đầu (...bản thảo mất một số dòng...) Không!
Lân không thể chịu đựng được những sự khốn nạn, bẩn thỉu kia bôi lên đầu
Lân bằng những bàn tay mà Lân tin cậy. Lân không thể sống trong cái nhàn
hạ, thừa đủ mà vẫn còn phải uất ức, đau khổ. Nhưng Lân sẽ phải làm những
gì để trừng phạt những kẻ gây nên cho Lân sự rối loạn ấy? Lân phải trừng
phạt chúng đến thế nào để cho lại được sống những ngày không lo nghĩ,
thỏa thuê như trước?
Lân đã suy nghĩ, đau đớn, tê tái. Lân đã tính toán đến nát óc. Lân đã
nhiều phen có một cảm tưởng choáng váng rằng Lân lại kém cả những kẻ
ăn mày ăn nhặt, rách rưới, ốm, đói, mà Lân chỉ dám quẳng vội tiền cho.
Nhưng, hàng năm rồi!...
Vợ Lân vẫn cả ngày biền biệt, vẫn liên miên chắn, tổ tôm, vẫn về đến
nhà là gắt ầm lên. Còn Tiến, thì đấy, bên cạnh Lân vẫn kè kè, đùa bỡn khoái
trá. Đối với vợ, Lân vẫn phải ngọt ngào, với Tiến, Lân vẫn phải niềm nở.
Lân vẫn phải chăm chỉ với hai người ấy trên những đống tiền vung ra
không tiếc để hưởng những vui cười, đón tiếp, vì nể, nhắc nhở.
Tiến và Lân lại rẽ quặt sang một đường nữa. Tới đây, không còn cái
im vắng và sắc xanh mướt của một khu nhiều cây cỏ nữa. Hai người đi
trong những ồn ào của hai dãy phố cân thóc gạo ở gần bờ sông đông nghịt
kẻ đi lại, hàng quà bánh bán rong, xe bò, xe cút kít và những phu khuân