- Mặc tôi! Anh cứ biết anh đi cho được việc. Tôi ở nhà ăn uống thế
nào cũng xong.
Nghe vợ đáp Hưng trợn mắt:
- Nhưng tiền đâu mà có cái gì ăn uống mới được chứ?
Người vợ lại rền rĩ ngắt lời Hưng. Và Hưng lại đành im. Hỏi như thế
chính Hưng cũng không biết làm thế nào, cả cho vợ và cho mình nữa. Trái
lại, người đàn bà đâu chịu thế. Họ thường nghĩ ra và thực hành hàng trăm
cách để có gạo, củi, thức ăn cho nhà, cho con, nhất là cho chồng, mà
thường khi người chồng đã được no nê trong những lúc đói nhất ấy, lại còn
gầm tiếng chửi mắng người vợ đã khiến họ khổ sở, nhục nhã vô cùng. Đời
tài trai mà để vợ mình như thế!
Hưng lấy vợ đã được ba năm. Vợ Hưng là con thứ của một người mẹ
góa từ năm ba mươi tuổi, một nách bốn con gái nhỏ. Khi bố mẹ Hưng vừa
ngỏ ý xin người con gái nọ, bà mẹ vội vàng nhận lời ngay, và chia xong
trầu cau cho họ hàng xóm làng nhà trai hỉ hả đón dâu về, thì bà như thoát
được một gánh nặng, một tội nợ, tai vạ. Hưng và vợ chỉ có hai bàn tay
trắng, nên sau cái ngày được phép ăn ở với nhau, cả hai lại chúi đầu vào
công việc. Hưng đi dạy học cho một trường tư ở tỉnh khác. Vợ cất chè hột,
chè mạn và mắm muối đi các chợ quê bán. Hai vợ chồng thuê một gian nhà
lá, nhập hẳn vào với những người lam lũ sống lần hồi ở rìa thành phố.
Hơn một năm, người đàn bà nọ đẻ, rồi con chết, rồi y ốm phải nghỉ
chợ. Mọi sự ăn tiêu thế là trông cả vào số lương tháng của người chồng.
Thì được ít lâu, trường Hưng thu bớt lại hai lớp, Hưng bị giãn ra. Hưng cậy
cục rất nhiều chỗ rồi mà vẫn chưa có việc làm. Từ ngày đó đến giờ đã năm
tháng. Hưng đương tưởng chết mất, bỗng có một người bạn viết thư mách
Hưng một chân thư ký bán hàng trong một hiệu buôn liền với hiệu của anh
ta làm trên Hà Nội. Chỗ này vừa mới mở. Nếu lọt vào làm thì ngoài số
lương hàng tháng mười hai đồng, Hưng sẽ còn kiếm thêm được dăm bảy