Khách bên kia phố. Ba cha con ăn uống do vợ người em trai ở chung nhà
thổi nấu.
Con bé ấy cũng được đi học như mấy đứa trẻ con mấy nhà buôn bán
và đi làm khá ở trong ngõ. Cái trường tư nọ ở ngay đầu phố. Một ông giáo
không biết đỗ bằng gì, đã già và lại đông con bé, mở ra và trông coi một
mình. Ông dạy cả học trò Khách to lớn gấp ba ông, và dạy buổi tối những
người thợ đứng tuổi.
Một nách hai con dại, người ta thường khuyên ông lấy vợ kế. Ông chỉ
cười và lắc đầu. Không hiểu vì ông làm không được mấy đồng, vì ông
thương con cái sợ chúng bị đẩy vào cảnh mẹ ghẻ cay nghiệt, hay vì ông
thấy đã có em dâu cũng đông con, số tiền kiếm được để đỡ vực cho y, để y
trông nom cho còn tốt hơn, hay còn vì lẽ gì nữa mà người cha ấy cứ ở vậy.
Sáng sớm ông ra đi, trưa ăn quàng quéo bên phố, chiều tối mới về, từ năm
ông mười bảy, mười tám tuổi tới giờ đã hơn hai mươi năm ròng như thế.
Ông gần như không có một người bạn. Cả những chiều, trời đất xam xám,
hai con ông long tong ra đường đón ông, ông chỉ nhếch mép cười và nhiều
khi lại cau mày bảo đứa con lớn:
- Thôi cho nó vào đi!
Chẳng chờ đợi con ông, ông đi trước. Cái mũ vàng sờn vải, quần áo vá
víu, xộc xệch, đầy vết dầu mỡ, người cha lùi lũi bước, lom khom như trên
đầu, trên lưng bị sự mệt nhọc và một ý nghĩ rã rời đè trĩu xuống.
Cũng như vợ, ông nóng, sốt ho, người cứ rộc đi, ăn uống không được
rồi chết. Năm đó, thằng nhỏ con ông đã chập chững đi và con bé ấy đi học
biết đọc, viết thông quốc ngữ.
Ai nuôi hai đứa trẻ này bây giờ? Chôn cất người cha xong, một buổi
chiều cúng cơm có tiếng kể lể rền rĩ trước cái bàn thờ loi nhoi ánh đèn
nhang, những người họ hàng và quen biết bỗng ứa nước mắt. Họ gọi hai chị