mấy người canh điền hò trâu vang thêm. Dưới nước da đen và nhẫy mồ hôi,
nét mặt họ rắn đanh đăm đăm như khó chịu vì mấy con vật cứ vằng dây
thừng và sự cười nói nhàn hạ của bọn Láng ngồi trong bờ.
- Thôi, chúng em về đây, hai chị còn cắt nữa ở lại.
Hai người con gái nọ ríu rít chào Láng và Nấm lần nữa rồi mới đi. Họ
vừa rẽ ra con đường đất thì mặt Láng xịu lại. Ngay đến Nấm đã ngồi sát
vào người Láng, nhìn vào mặt Láng, giọng nhỏ đi:
- Láng mày giận tao đấy à?
Láng mím môi, lắc đầu, quay ra bên. Nấm kéo vai Láng lại:
- Hề... hề... Thôi tao xin lỗi mày, khỉ ạ!
Láng vẫn im lặng và mắt càng long lanh. Nấm chợt thấy run run trong
tâm trí, Nấm hối hận cứ đùa bỡn mãi với sự lo nghĩ đau khổ của bạn. Nấm
nhíu mày lại một lúc rồi cất tiếng nói hổn hển như trong một sự mệt nhọc:
- Tao biết rồi, tình cảnh mày khổ lắm. Và tao chắc rằng không đời nào
mày lấy thằng Hải nhà bà Mậu ấy. Thứ con giai gì mà xanh mướt ra, người
cứ lướt như tàu lá, học hành chẳng ăn thua gì, chỉ giai gái chơi bời, đã thế
lại còn cứ bệ vệ ra vẻ ta đây, và động mở mồm thì đồ bay, chúng nó, quân
này, phỉ nhổ vào mặt người ta. Mày có vô phúc thì mới về làm dâu nhà ấy.
Gương tày liếp ai còn lạ gì những cảnh như thế. Như mấy con làng này về
bên Phương Thượng đương tươi tốt như hương như hoa ấy, thế mà chỉ hơn
một năm mà võ hẳn đi, con quấn con quýt mụ mẫm cả người, chẳng còn
được đi đến đâu, biết đến ai. Nhà nó có lắm thì chỉ ngập đầu mình công
việc và sảy đi một tí là mình bị đay nghiến rứt từng miếng thịt ra, chứ báu
quý sung sướng gì? Và chắt bóp, và hành ác nghiệt lắm, chắc gì! Khỏi đời
mình, đến đời con cháu, chỉ mấy cái mớ bát, mấy lần tranh nhau việc làng
và hống hách lắm, chỉ mấy lần tiêu sưng... là ăn mày ngay...