Láng gật đầu. Nấm nhìn sâu hơn nữa vào mặt Láng:
- Mày vẫn không chịu gặp nó? Và sao mày lại không đón nó ở ngoài
Quán Đồng?
- Gặp thế nào được? Và đón làm gì?
Nấm cau mặt:
- Sao mày lại cứ thế! Con này lạ quá! Mày có biết như thế là mày làm
khổ nó không? Nó không nhắn gì tao, không nói gì với tao, nhưng nửa
tháng nay chiều chiều tao cứ thấy nó thơ thẩn đằng đầu đường Quán Đồng
thì tao biết nó mong mày lắm. Hay thôi được, mày không bảo thì tao bảo
thằng Tỵ vậy để nó gắng đi...
Nấm toan nói tiếp nhưng thoáng nghĩ đến tình cảm Tỵ, Nấm liền
ngừng lại vì thấy mình lại làm bạn tủi cực. Như Tỵ, thì gắng thế nào? Đào
đâu ra tiền để lo sự cưới xin? Hay bán thân, bán xác đi? Hay liều theo
không nhau để chịu những sự dê diếu khó mà sống được ở cái đất này?
Tỵ là người con trai chỉ có Nấm biết là kẻ thương yêu độc nhất của
Láng. Tỵ không phải người làng. Một năm đói kém, người ta thấy một đôi
vợ chồng dắt nhau đến chợ Huyện với một cái gánh, một bên có bốn đứa
con, một bên xếp ních những quần áo, nồi niêu, bát đĩa. Gần hai mươi năm,
cái gia đình không ai rõ tông tích ở đâu ấy lần từ ngoài chợ dần dần vào
trong này rồi lấy thẻ làng. Người chồng thì làm thuê, người vợ bán quà vặt,
bốn đứa con cũng phải đem góp những cánh tay non nớt vào việc đan vó để
kiếm cơm ăn. Sau, nhận được hai mẫu ruộng bồi ở bãi Đồng Xá của bà Bá
thì hai vợ chồng ở nhà cày cấy cho tới giờ. Tỵ đã hai mươi hai và một đứa
em gái Tỵ đã mười sáu. Con sống có, con chết có ở cái nơi không phải
chôn rau, cắt rốn mình và có mồ mả tổ tiên mình này, cha con Tỵ đã cất
được một cái nhà tre, sắm được cái bàn thờ và may mới hẳn vài cái quần áo
chúc bâu, đi đâu trông cũng tươm tất. Nhưng, sự sống của những bàn tay