khoảng trời. Cạnh bếp lửa không kiềng, không đầu rau gì cả, vóc người
Huyên nổi lên, hoạt động luôn luôn trên tấm tôn quét vôi trắng. Da mặt
Huyên đã lại tươi, tóc chải lại, vén cao trán lên, răng trắng muốt lấp lánh.
Những tia sáng ở mắt Huyên ngời ra nhiều hơn. Người phu đứng tuổi và
hai vợ chồng thấy Huyên yên lặng đăm đăm, họ không dám nhìn Huyên
nữa, cả ba cùng trông vào ngọn lửa, hồi hộp chờ một dịp cất tiếng nói với
nhau.
Rào.. rào... rào... mưa gió vẫn đều một nhịp. Chớp nhoáng luôn luôn
xé ra. Hai bên đường bãi lầy, sú và cỏ dại mọc mông mênh đã ngập nước,
trong ánh chớp, vệt đường loang loáng chạy vút đi, và những đám núi thấp,
lởm chởm, mốc thếch, nhảy chồm lên thành những hình thù quái dị. Cả cái
vùng cây số hai mươi cách Uông Bí này chìm hẳn trong một biển mưa.
Mấy bóng nóc nhà và những lùm tre cuối cùng ở tít mù đằng chân trời biến
đi nốt với những thửa ruộng nhỏ hẹp chỉ cấy được một mùa, cố khai lấn ra
bãi lầy mà không được.
Không cứ đêm tối, ngay giữa ban ngày vẻ cọc cằn cũng gai góc và bao
la như thế. Dân đây hầu hết đổ vào Uông Bí, Vàng Danh hay đi Hồng Gai,
Hải Phòng làm việc. Còn lại đàn bà và người già thì trông coi con trẻ, bắt
cáy và kiếm củi bán. Nhà nào có dăm sào vườn ấy là được chỗ đất tốt lắm.
Họ trồng kín rau, khoai, đỗ và đổ đất dựng nền ở ngoài bãi mà ở chứ không
dám lấn vào cái khoảng trồng trọt quý hơn vàng ngọc này.
Suốt dải đường có vừa đúng ba quán nước mà bún riêu là quà sang
nhất. Thứ này và kẹo lạc kẹo vừng chỉ để bán cho khách qua đường chứ
người làng thì đừng hòng, dù chỉ một xu. Mệt lắm họ vào ngồi nghỉ, uống
trinh nước, hút nhờ điếu thuốc rồi ra đi. Trời nắng sém cây cỏ, mồ hôi đầm
đìa, nhễ nhại cả da thịt rắn như sành, thế mà họ cứ đầu trần, lẽo đẽo trên vai
gánh củi nặng trĩu buộc kèm một nắm cơm và một ít muối vừng gói vào
chiếc mo.