Huyên tuy góa chồng sớm và còn trẻ nhưng nguyền ở vậy cho tới chết với
Huyên. Bà không về với cha mẹ, cứ lần hồi với hơn mẫu ruộng và mấy sào
vườn nuôi Huyên đi học.
Làng Huyên cuối vùng bể không kém vẻ cục cằn ở đây mấy. Không có
những quả núi xù xì, nhưng nó cũng thừa làm người ta rùng rợn những
ngày nắng chang chang, ruộng vườn khát nước như người ốm nặng đợi
thuốc. Cả vùng toàn bãi lầy, nước mặn, váng riêu cua, sú và cỏ dại mọc đầy
cứ bốc khói ngùn ngụt. Không cứ phải bị như vụ chiêm năm nay nắng hạn
dữ thế thường thường thì cả vùng không còn thể cày cấy được tí gì. Thóc
gạo đối với người làng còn quý gấp mấy mươi vàng. Tất cả những mong
muốn khát khao của họ chỉ ở trong hạt gạo. Họ làm, họ kiếm được cái gì
đều chắt vào hột gạo, ngoài ra thì vào những công nợ không bao giờ hết mà
họ chịu day dứt để mà ăn lấy sống. Cùng với họ, quanh năm mẹ Huyên chỉ
bữa cơm bữa cháo và tháng ba ngày tám thì ngô, khoai, có khi củ chuối
nữa, thay cơm. Bên mẹ, Huyên vẫn ăn no, cơm có thịt như con nhà giàu.
Đôi khi Huyên nổi lòng thương mẹ, phụng phịu không ăn vội, ép mẹ phải
ăn với mình. Nhưng mẹ Huyên lại gắt lên, đứng dậy ra chỗ khác.
Bà rung động vô cùng vì cái tính ngọt bùi chia sẻ của con sớm tỏ ra
trong cảnh cùng khốn, song bà không thấy cơ cực lắm vì khổ sở quá mà
phải bóp mồm, bóp miệng để nhường nhịn thế này. Đó là một điều tất
nhiên, chung quanh bà, hầu hết những người có chồng có con đều nhịn thế
cả. Nào bà có nghe một ai hé răng ta thán một lời? Người ta vẫn tươi cười
cày cấy, mò cua, bắt ốc, làm hàng xay hàng xáo và chợ búa quần quật suốt
ngày, suốt năm. Chính ngay bà, bà cũng chẳng thấy nhọc nhằn, thèm
thuồng, đau đớn gì lắm, vậy bà kêu ca sao được? Bà sống khác thế nào
được?
Mẹ Huyên như thế cho tới lúc hấp hối. Trong cái giờ bà biết mình
không thể sống làm việc nuôi nấng và vui vẻ với con cái nọ, người ta mới
được nhìn bà quằn quại và lộ mấy tiếng rên rỉ. Trên giường, thân thể bà