cười đùa, hát xướng đè lên những tiếng cãi cọ, chửi rủa. Chúc được dự vào
một cách tha thiết những phút vui hồi hộp, ngẩn ngơ vì những cái tin rằng
có “ân xá”, có sự “loại” bớt về Hà Nội. Và bao nhiêu sự thì thào bàn tán
nữa: phát quần áo, đổi chăn, mổ lợn, giết bò đặc biệt, đổi giám binh, có
quan to đi kinh lý...
Không thể nén được sự cồn cào, Chúc đứng dậy, đi lấy cái thau sắt con
ở buồng đằng sau kia xin nước rửa mặt. Tay vịn tường, chân lần từng bước,
Chúc cố thở đều để chống lại sự bải hoải cứ chực đẩy Chúc ngồi xệp
xuống.
Qua hai cái giường và qua cái lối đi chính giữa, Chúc rẽ vào cái lối đi
nhỏ. Gian buồng chứa đồ ở mãi tít mé bên trong, giáp giới một gian dành
cho những kẻ có bệnh nguy hiểm truyền nhiễm và một nhà tiêu. Cho tới
đây, ánh nắng chỉ còn mờ mờ. Cái mát lạnh lạnh lướt qua da người ta như
hơi nước tỏa trên dòng suối ngập bóng cây. Dáng người Chúc đi nhẹ nhẹ,
gần tan hẳn với bóng mờ. Bàn tay Chúc vin mặt tường run thêm. Mồ hôi
Chúc toát ra ướt cả ngực áo. Chúc đã toan dừng lại ngồi nghỉ rồi quay ra
chờ người đưa cơm đến, Chúc nói với hắn múc nước cho mà rửa ráy.
Nhưng nghĩ tới những giọt nước hiếm như vàng mà Chúc đã khổ sở như
điên vì nhớp nháp từ hôm qua rồi, Chúc lại cố bước.
Thoáng phút, cái cánh cửa xám của gian buồng chứa đồ đã sát tới tay
Chúc với mùi kêdin và mùi ẩm mốc. Chúc chỉ phải đẩy cửa ra để lấy cái vật
mình dùng. Rõ ràng lắm, cử động nhẹ này. Cái cánh cửa gỗ sơn nọ, vừa
mỏng, vừa không khóa, quả đấm lại mớm lỏng lẻo, nên tay Chúc run run
chỉ vừa khẽ quay cái nắm sứ là cửa hé ra, không một tiếng động.
Nhưng Chúc dừng ngay bước lại, và, mặt Chúc bỗng tối sầm, bàng
hoàng như trước một sự xuất hiện ma quỷ trong cơn mê hoảng.
Trên cái giường sắt thải bừa bãi những chăn chiếu, mền bao tải, thùng
sắt, chổi, tên tù cỏ vê đương áp má vào mặt người tù đàn bà. Đó là người tù