- Thưa ngài Thy San... quân bài là quân bài... ta là ta... ngài xin được
suy nghĩ! Rất đúng! Rất đúng thưa với ngài nhà quê của tôi ạ!
Tiễn chân Đờvanhxy đoạn, Thy San quay lên buồng làm việc ngay.
Trên chiếc cầu thang gác xoáy trôn ốc giải thảm, Thy San bước đi bước
một, đầu cúi cúi, cặp kính trắng lặng lẽ nhìn khoảng không. Chiếc màn cửa
đăng ten đã vén sẵn sau chỗ y ngồi. Y chưa vào bàn vội, ra đứng bên khung
cửa. Đã có chút nắng. Trời bớt nặng nhưng mây vẫn xám nhờ. Ở dưới chân
chung quanh khu biệt thự Bờ Biển Xanh, cảnh vật càng xơ xác mờ ảm.
Những xóm ngõ với những gian nhà, bếp nước, cống rãnh sao mà lúc nhúc
ghê bẩn! Có những nhà ở ngay sau chuồng xí, chỉ có mỗi tấm liếp quét vôi
trắng dựng lên để ngăn ra. Nhưng ruồi nhặng cứ bâu đen ngòm cả tấm liếp,
mỗi lần có người đi qua lại rào rào bay vào mấy gian nhà ở sau đấy! Ngõ
nọ cách ngõ kia, dãy nhà trước cách dãy nhà sau bằng những bức tường
cắm mảnh chai và những cống rãnh. Khói bếp quằn lên, lởn vởn trên những
tường, rãnh nọ.
Vẫn thấy trẻ nô đùa. Tiếng cười reo của chúng làm vang từng góc ngõ.
Trước cửa mấy dãy nhà chung quanh bãi rác mà cả tường vách và mái nhà
đều che bằng mảnh tôn, bao tải và chiếu rách, có mấy ông già bà lão và kẻ
mù lòa, què cụt đương sờ rờ quét dọn, khâu vá, đan lát. Tiếng búa rèn của
cái lò chuyên đánh vành xe bò ở ngõ trong cùng nghe rõ hơn cả. Tiếng rèn
choang choang, thình thịch dằn dỗi, dồn dập, lọng chói vào không khí. Mùi
khét của than và mùi đốt rác dần dần sực lên, ngái ngái, nồng nặc.
Thy San vội đi sang cửa bên kia.
Chỗ này mở trông sang Kiến An có những cánh đồng, những đợt núi
và thấp thoáng sông nước.
- Không biết đến nghìn chín trăm bao nhiêu hay đến thế kỷ thứ hai
mươi mấy thì cái thành phố thảm hại này mới dời được những xóm ngõ
quái gở kia ra các vùng ngoại ô xa nữa? Từ con đường Trại Cau, An Dương