quýt, xách đi những vườn xa để bẫy chim... Thanh còn được nhìn lại cái
vườn hoa của thành phố đối với Thanh lúc còn bé là cả một rừng sâu, dạo
mùa hè Thanh thường chờ những đêm mưa gió to sáng dậy thật sớm đi nhặt
sấu rụng đem chia cho các bạn được các bạn quý như vàng. Thanh còn
được đêm đêm sáng giăng đi trên bờ con sông đào sao mà thấy mênh mông
nguy hiểm ngày mùa nước, thỉnh thoảng lại có một chiếc pháo thuyền về
đỗ thì cả tỉnh kéo đi xem. Những khẩu súng thần công và những người lính
trẻ mặc quần áo trắng viền xanh, thứ áo có yếm, mũ có dải, sao mà lạ, mà
đẹp! Thanh đã nghĩ sau đây Thanh phải làm sao cho thật khỏe mạnh, bơi
giỏi, để cũng đăng lính đi các sông, các biển, các nước...
Ấy là Thanh tưởng tượng. Thật ra Thanh thấy dù Thanh cố gắng
khuôn mình vào cuộc đời đó để yên thân cái kiểu như thế cũng không được
nào. Lai lịch của mẹ con Thanh nhà Chung nào nhận cho? Trùm trưởng nào
dám đứng ra bảo lĩnh? Đã thế lại còn bao nhiêu học trò dở dang như Thanh,
con cháu của các cha, các trùm trưởng, họ nhu mì còn hơn các con gái, đức
hạnh và thuộc kinh bổn không kém các thầy già, các bà mụ! Phải! Những
điều Thanh tưởng tượng nọ hoàn toàn chỉ là ảo vọng. Không có một tia gì
là của ánh sáng hé ra trước mặt Thanh để Thanh đáng ân hận rằng đã không
nghe mẹ. Cái cảnh mẹ con ở giữa nơi quê hương, chôn rau cắt rốn, có bao
nhiêu kẻ quen thuộc họ hàng mà như ở giữa một biển băng... Cái cảnh
những ngày ngao ngán mẹ con chỉ còn biết nhìn nhau mà chịu đói chứ
không dám làm một việc gì tai tiếng - cả gánh đất, đội than, quét đường,
vác gạo cũng là tai tiếng! - ... Cái cảnh mà nhìn đâu Thanh cũng chỉ thấy
những kỷ niệm, những nguồn cơn đau xót, buồn thảm không thể nào chịu
được nữa ấy, Thanh đã dứt bỏ hẳn đi rồi.
Nhưng hiện tại thì hơn gì? Và tương lai nữa, hơn gì? Thanh mở
choàng mắt. Trong tâm trí Thanh xé vụt ra như một luồng lửa. Không!
Thanh đã có một cơ hội, nhưng Thanh đã bỏ qua.