- Không hồ, không cháo gì cả. Cứ để đến đêm nghe xem cái đã...
Ông cụ Cam đến giờ mới nói:
- Để cậu ấy nằm yên thì cứ để, nhưng cứ phải đổ cho cậu ấy tí hơi ngũ
cốc. Nhà còn đỗ xanh, lấy nấu nước cho uống. Đỗ xanh vừa giải cảm vừa
lấy sức.
- Ông bảo phải đấy! Cái Gái thì nó cứ muốn vệ sinh như Tây ấy, ốm là
bắt nhịn. Nhà hết gạo, hai ngày đói rã ruột ra, vừa đói vừa cảm, còn việc gì
phải nhịn! Thôi để hôm nào nó kêu váng vất bắt nó chỉ nhịn bữa cơm rang
buổi sáng đi làm thôi, "ông" cho không lại ngốn hết cả cái bánh tây hai ki
lô xin được ở dưới tàu ấy à. Không thế thì lại phở chịu...! Đến kỳ tiền lại:
"U ơi! Kỳ này con chỉ được có ba đồng thôi!".
Mẹ La được dịp dau dảu vừa nói vừa xỉa vào trán Gái đen. Gái đen
cười. Còn mẹ La miệng nói là chân đi. Mẹ xuống nhà bà Gái tìm cái niêu
con, rửa, rồi đi nhóm bếp hầm đỗ. Những người nhớn đi ra. Trong nhà còn
Dâng và cái Ngơ ở chõng. Ngọn đèn vẫn vặn to để ở mé bàn. Cửa màn gài,
Thanh nằm mắt nửa nhắm nửa mở, lờ ngờ; miệng Thanh, Gái đen vừa khít
hai hàm răng lại hé ra. Thỉnh thoảng Dâng lại len lén trông vào màn. Mỗi
lần trông như thế, Dâng chỉ dám trông thoáng qua cái thân hình Thanh, còn
mặt Thanh, nhất là đôi mắt Thanh, Dâng thấy ngài ngại sợ sợ thế nào ấy.
Những giây ấy, trống ngực Dâng lại đập như trống làng. Dâng còn ngại và
sợ cả người ta bắt gặp Dâng nhìn Thanh. Nhưng vẫn chỉ có cái Ngơ ở bên
Dâng. Ngơ cũng chẳng ra nhìn dõi nghe ngóng Thanh mà cũng chẳng ra
nhìn dõi nghe ngóng Dâng. Dâng lại thấy yên tâm. Dâng lại thấy có một sự
man mác rưng rưng trong lòng vì lại được ngồi với Ngơ, những lúc như lúc
này! Như thế thì bà Thanh đi vắng, thật không may cho Thanh. Nhưng lại
nhờ dịp này Dâng sẽ làm các việc nhà cho Ngơ.
Mẹ Thanh về Nam Định. Mẹ Thanh bảo sắp đến lễ Các thánh, bà phải
về thăm mộ các cụ, ông bà, cha mẹ. Mẹ Thanh nói dối. Đó chỉ là cớ phụ.