Gái đen tự nhủ:
- Phải đấy! Hôm nọ ta bàn với chú Sấm, chú Sấm cũng bảo nếu cậu ấy
chưa xin được việc làm bên Xi măng và cũng không thấy đâu gọi đi làm thì
ta hỏi cậu ấy có bảo trẻ học, cậu ấy bằng lòng thì chú Sấm và nhà ta đi xếp
cho cậu ấy mấy đứa.
Gái đen nhẩm tính rồi gật đầu:
- Chỉ xếp trẻ cho cậu ấy bảo học để chờ công việc là tốt thôi. Mỗi nhà
góp năm sáu hào... chẳng gì cũng được cái gạo ăn. Thằng Côn nhà ta năm
nay lên sáu rồi!
Gái đen lại nhớ đến câu dặn cuối cùng và cũng là lá thư cuối cùng Gái
nhận được của cha ở Côn Lôn gửi về. Ý câu viết trong thư cũng có cái ý mẹ
La vừa nói. Nhà có đói túng, mẹ Gái và Gái cũng cứ phải chạy vạy cho
thằng Cam, thằng Côn đi học kẻo sau này chúng nó lớn lên thì khổ nhục
lắm! Như Gái chả hạn, có nhận được thư của cha cũng phải đi nhờ người
đọc. Ký cái giấy ở bàn giấy phải để cho người ta nắm lấy tay day day ngón
tay vào hộp mực rồi lăn đi lật lại vào cuối giấy.
Ngày xưa cha Gái vừa đi chăn trâu vừa học lại những trẻ trâu. Mãi tới
năm mười ba mười bốn, cha Gái theo ông Gái ra Hải Phòng, ở chung nhà
với một người làm thư ký bên Xi măng, cha Gái phải gánh nước, nấu cơm
cho người ấy mới được dạy thêm, võ vẽ đọc được sách in, viết được thành
chữ. Rồi từ ngày đi làm, tan tầm về nhà, cha Gái rất ít khi đi chơi, mặc kệ
cả bạn bè lấy sẵn vé tuồng, vé xiếc ép đi. Hôm mật thám đến nhà bắt, cha
Gái đương nằm kể Kiều. Ông kể đi kể lại chỗ Từ Hải gặp Kiều rồi Kiều
đền ân báo oán. Tầm đêm về mệt, ông thiếp đi. Tờ truyền đơn kẹp trong
cuốn Truyện Kiều quên chưa kịp giấu, cha Gái để cả sách trên mặt mà ngủ.
Hai thằng mật thám ta giở cuốn Truyện Kiều ra, mỗi đứa đã đấm cha Gái
một quả đấm vào mặt, sưng vù lên. Tay cha Gái bị xích, ông vừa đi vừa gạt
máu mắt. Cả cuốn Truyện Kiều và tờ truyền đơn đều ướt máu cho đến ba