lớp ngọn quanh năm xanh thẳm. Dãy Tam Đảo! Đứng ở Yên Thế trông
sang Tam Đảo cũng bằng đứng ở Hải Phòng nhìn lên Yên Tử. Tam Đảo và
Yên Tử là hai cánh tả cánh hữu của Yên Thế. Ngày xưa, những khi lăm lăm
khẩu súng trong tay ở trong đồn Phồn Xương, cụ Cam thường nghĩ đến cái
giang sơn mà cụ cùng anh em cày cấy canh gác ở đây sẽ theo quan Hoàng
mở rộng ra, khép cả hai vùng đó lại, và hai dãy núi sẽ là hai bức thành, đồn
trại sẽ lập trên hết các ngọn, các lũng. Tha hồ tung hoành phỉ chí...
Cụ Cam lại thấy như sống lại với những cảnh cũ không phải xa cách
đã hai ba mươi năm nay mà chỉ đâu như mới xa cách tháng trước, năm
ngoái, năm kia. Những ấp, những trại, những làng tre gai bao lớp trong lớp
ngoài trông cứ như rừng cả. Những đồi bãi sim mua, cỏ giàng giàng, ngày
nắng thì ngột ngạt như vạc lửa, ngày mưa thì ẩm thấp mịt mù, đêm tối
quanh co bưng bít. Suối, khe, lũng, dốc... như bày trận. Đất sỏi son cuốc
nhức nhối cả cánh tay. Cấy lúa chiêm cánh tay muốn rụng. Ruộng là chân
đồi, là bờ suối. Tất cả ruộng của tá điền nghèo là đồi là suối vỡ vạc ra.
Yên Thế!
Cụ Cam không phải chôn rau cắt rốn ở đây, nhưng cũng coi đây như là
nơi chôn rau cắt rốn. Cha con cụ xiêu bạt lên Yên Thế hàng hai mươi năm.
Cũng cổ cày vai bừa đi làm các ruộng chủ rồi đốt rừng vỡ bãi nhóm rau
nhóm bếp tới khi có được mấy gian nhà, một con bò, mấy sào ruộng và bãi
sắn. Đã tưởng rằng không còn phải cái đời đi ăn đi ở, rồi được theo hầu làm
lính cụ Đề thì sẽ có ngày...
Những mẩu chuyện buột nói với Thanh lại thành hẳn cảnh hẳn người
hẳn tiếng cuồn cuộn ở trước mắt cụ Cam. Khói súng lại thơm sực ở trước
mũi ông cụ. Bụi đất tàn lửa lại rào rào lả tả chung quanh ông cụ. Những
tiếng nổ của những khẩu dóp năm, khai hậu lại giòn giã bên tai ông cụ.
Những tường trình bằng đất sỏi son đanh như xi măng cốt sắt lại nham
nháp bên má ông cụ và âm lên, thình thịch, oàng oàng dội lại các thứ kiểu
đạn của Tây. Những Tây trắng, Tây đen, áchdiđằng, quan một, quan hai,