từng tiếng bước chân, tiếng cười nói, tiếng ho của những người quen thuộc.
Bằng giờ mọi khi mẹ La cũng ra đi, cũng gọi cũng chuyện, cũng cười nói
ồn ĩ như thế. Từ ngày khôn lớn đi lam đi làm tới năm đẻ thằng La, mẹ nào
có biết cái ốm cái mỏi là gì. Người mẹ tuy thấp bé lũn cũn nhưng mẹ đội
những thúng than đến những giai khỏe cất lên cũng phải nhăn mặt. Đẻ
thằng La được một cữ mẹ đi làm ngay. Trưa về cho con bú, tối thì thổi nấu,
ba bốn giờ sáng đã dậy giặt giũ. Nhiều bận mẹ dọn dẹp xong còn ngủ lại
được một giấc giời mới sáng.
Năm ấy, lão La còn làm phụ bếp dưới tàu Giang Môn, tháng ăn uống,
diêm thuốc rồi còn được năm, sáu đồng bạc. Nhưng mẹ La chẳng bao giờ
hỏi đến tiền nong của lão hay khiến lão lo liệu việc cửa việc nhà. Thôi việc
dưới tàu, lão lên bờ đi làm cho hết hiệu cao lâu này đến hiệu phở khác, lão
vẫn làm khỏe, chịu khó, sạch sẽ và rất mực thật thà, nhưng chẳng đậu nơi
nào được lâu vì cái tính rượu của lão. Càng giời nóng bức lão càng rượu
tợn. Không thế thì lão kêu nhạt mồm nhạt miệng, trong người như bị ai rút
hết tủy hết xương, chẳng còn thiết làm ăn gì cả. Nhưng uống nhiều thì say.
Bao nhiêu lần lão say khốn say khổ. Lần thì lão chất củi để cháy cả ba cái
chảo gang, lão bị trừ hàng năm cũng không hết nợ. Lần thì lão giết gà, lão
cắt tiết gập đầu gà vào dưới cánh hẳn hoi rồi mà gà vẫn sống, nhảy vỡ hàng
bàn bát đĩa toàn đồ sứ Giang Tây. Lần cuối cùng, lão làm cháy nhà. Nhà
này là nhà người bạn trước cùng làm dưới tàu với lão. Y nhóm rau, nhóm
bếp mãi mới được cái cửa hàng phở ở đầu Chợ Con, hàng đương được
khách thì bị lão La thiêu cho một trận sạch sành sanh.
Từ bấy đến nay, lão chỉ vất vưởng ở các bến tàu, các tràn, các cửa
hiệu, gặp việc gì làm việc nấy. Lúc nào vớ được món bổng, hay không thì
lúc nào cũng túng, rồi ốm yếu quá, lão mới về nhà. Nhưng thường là lúc lão
ốm. Cứ như thế mẹ La được với lão nếu trời để trứng sống thì tám mặt con.
Tám mặt con... Hai mươi bốn năm giời được cái tiếng có chồng. Mẹ La lại
phải nghĩ. Mẹ nghĩ đến mình bây giờ đau yếu không còn cất nhắc được