việc gì. Mẹ nghĩ đến các con còn bé dại. Và mẹ nghĩ đến cái câu của "nó"
nhắn thằng La về. Mẹ La lại lộn cả ruột gan:
- Nó mà vác cái mặt mo mặt thớt về lần này nữa thì bà cứ phang cho
què... cho què...
Có tiếng lục sục ở đầu giường. Mẹ La nghển lên. Hai con chuột to như
hai con mèo nhí nháu với nhau rồi cắn nhau đánh chóe, nhảy quào qua mặt
mẹ La. Mẹ La giờ mới để ý đến đĩa khoai thằng La để phần cho mẹ. Củ to
nhất bị lăn ra giường, mấp mé rơi xuống đất.
- Tao đã chết đâu mà chúng mày đến cào đến cắn ngay trên đầu tao thế
này?
Mẹ La với lấy cái lõi vỏ ăn trầu ném theo hai con chuột. Mẹ nhặt củ
khoai vào đĩa. Củ khoai chuột gặm này tuy hà nhưng là khoai lợn ỉ vừa to,
vừa bở đỗ. Mấy củ nhỏ thì bằng đầu ngón chân cái, bằng chuôi dao. Đáng
ra thì phần La là củ to, còn những củ nhỏ là của hai em. Hôm qua, hôm kia
cũng vậy, La đều nhường cho mẹ mà chỉ ăn những mẩu khoai hay khoai
nhỏ bán ế. Như thế là thằng bé nhịn cho đến tối mới được miếng cơm. Mẹ
La xuýt xoa trong bụng. Mẹ lại ì ạch ngồi dậy.
Giời đã sáng rõ. Những người dưới Trung Hành, Hạ Lũng, Sâm Bồ tấp
nập gánh rau dưa, hoa quả, tôm cá lên các chợ Lạc Viên, Tám Gian, chợ
Cấm. Cũng vẫn những người mà mẹ La thuộc cả giọng nói, cả kiểu gồng
gánh, dáng dấp của họ. Những tiếng quen thuộc khác cũng rào rào trong
các xóm ngõ chung quanh. Tiếng xa quay, tiếng kéo bễ, tiếng đánh búa,
tiếng máy khâu, tiếng gò nồi, gò thùng và tiếng loảng xoảng ngoài máy
nước. Trùm lên các tiếng nọ, tiếng gió ngoài sông Cửa Cấm thổi vào với
tiếng nhà Máy tơ. Mẹ La nhìn ra đường. Mẹ La nhìn lên mảng trời sáng
trên sân; mẹ La nhìn xuống bếp. Mẹ La nhìn ra cầu rửa. Mẹ La nhìn đến
đống củi, thúng khoai và rổ bát đĩa. Bếp đun, tuy La đã vun vén nhưng vẫn
còn mấy mẩu củi. Cái chậu sành rửa chè vẫn tênh hênh cạnh chum nước.