đơ, dao kéo, kìm giũa và cả bát hương, dọc tẩu nữa,... cái gì gán cũng được.
Miễn là của mười đồng chỉ ăn một, muốn chuộc lại chỉ được hạn có mấy
ngày...
Không! Không!... Lão chỉ uống đến một hào rượu và nhắm nháp dăm
ba xu thôi! Nội nhật ngày mai lão sẽ xoay tiền chuộc lại. Nhất định sớm tối
ngày mai là lão chuộc. Có khi chỉ trưa mai là lão đã đưa nồi về, con mẹ nó
mà không để ý thì cũng không biết. Vả lại, lão chuộc ngay ngày mai cơ mà.
Hào rưỡi hay hai hào, gặp việc chỉ một buổi công là trang trải xong. Không
thì lão đi vay mấy ông già dưới kho gạo. Hay cùng quá lão nói nhỏ với cậu
giáo Thanh, với cô Dâng làm gì chả giật lửa được!...
Mẹ La vẫn rên rỉ. Xách cái bị trong bỏ cái nồi đồng to như thế, lão La
ra đến đầu ngõ rồi mà vẫn chưa gặp ai hỏi han gì cả. Sắp qua mấy cửa hàng
cắt tóc, thợ may, đèn điện sáng choang, kèn hát lanh lảnh ở ngoài ngõ, lão
La vội thụt đầu lại cho cổ áo nhô lên và đi loáng cái, suýt đâm bổ cả vào
cột điện ở bờ đường. Ngoài phố càng sáng đèn, càng đông hơn. Những
tranh, những biển và cửa những rạp hát Lạc Mộng Đài và rạp chiếu bóng
phố Cầu Đất cứ rực lên như những cửa động tiên mở hội. Mấy cửa hiệu to
đều đua nhau mở đèn chạy chữ điện ngoằn ngoèo, và phóng loa máy hát.
Công tử tiểu thư dập dìu từng đôi, từng đàn. Đèn xanh, đèn đỏ, kèn trống
rập rình của mấy nhà đăng xinh càng làm lão La hoa thêm mắt, ù cả tai cả
đầu cả óc.
Lão La đã đến ngã tư Cầu Đất rồi. Chưa đến chợ Vườn hoa đưa người,
lão đã thấy la liệt những đèn chai, đèn bão, đèn hoa kỳ của những hàng thịt
chó, bún sáo vịt, cơm thừa trại lính Cátdem, thầy bói, giầu nước, ống nhòm,
ba que, bài tây ở các gốc cây, ở cả gần nhà đái và cả bờ sông Lấp.
Hàng thì nhiều nhưng đều ngồi vêu ra. Vẫn toàn những khách ngồi
chầu hẫu, hút nhờ điếu, ghé gẩm chuyện cho đỡ buồn mà đỡ cả đói nữa.
Giai, gái, nạ dòng, đàn ông đứng tuổi, nhà quê, thành thị túng đói, ông già
bà lão ốm yếu tàn tật, mụ đưa người ma cô ma cậu, anh chị du côn, trốn