không dám nhận gì của nó nữa. Hôm đó nó chạy ở bờ hồ về, tay cầm một
tờ giấy gấp đôi, vừa thở vừa reo gọi thằng em Giáng Hương:
- Bướm hùm! Bướm hùm này mày ơi!
Giáng Hương cũng chạy sầm lại, giằng lấy tờ giấy. Giáng Hương
nhanh tay hơn em, giật được tờ giấy mở ra. Thì vù cái, con bướm bay lên.
Con bướm to còn hơn cả bàn tay Giáng Hương, sặc sỡ như gấm. Thằng nọ
hét lên "Bướm bay mất rồi!", vằng tay Giáng Hương đi. Chiếc vòng huyền
đập chát vào cột đèn, Giáng Hương cũng hét: "Vỡ vòng mất rồi!", co tay lại
xoa xuýt.
Chiếc vòng chỉ xát một vết. Vết đó Giáng Hương chùi mãi nước bọt,
cọ mãi vào tóc, vào áo len vẫn không mất. Thằng nọ, sau buổi đó, vẫn gọi
cho Giáng Hương đồ chơi. Một lần, hai lần,... nhiều lần nó gọi nhưng
Giáng Hương chẳng nói chẳng rằng chỉ bỏ đi chỗ khác. Ngoài mặt như thế
nhưng trong bụng lần bỏ đi nào Giáng Hương cũng tiếc; và càng thấy nó
đem cho những đứa khác lại càng ngẩn ngơ... Sau năm ấy, cái thằng Cương
đầu trọc kia đi học trường khác, và nhà nó cũng dọn đi phố khác. Từ bấy
đến nay Giáng Hương không gặp lại "thằng Cương bọ ngựa" lần nào nữa.
Bao nhiêu vật kỷ niệm Giáng Hương không giữ cái nào cả. Cái bằng
ngọc thạch, bằng kim cương. Cái ghi tặng ở bờ biển, ở trên núi. Cái ký trên
một chuyến xe lửa tốc hành, trên một boong tàu biển đêm trăng. Nhưng
nhận xong, Giáng Hương chỉ giữ ít lâu rồi hoặc cho đi, hoặc bỏ đâu mất,
rồi một phút nào chợt nhớ đến chuyện cũ, Giáng Hương lại bĩu môi nhún
vai:
- Trẻ con! Trẻ con!
Không hiểu sao Giáng Hương chỉ giữ chiếc vòng huyền này. Đó là vì
của tuổi thơ ấu hay là vì cái vết rạn và những chuyện của nó. Cả đến giờ
đây Giáng Hương cũng không phân tích và cũng không muốn đặt câu hỏi