Mẹ Giáng Hương đã ngoài bảy mươi tuổi. Bà cụ ngay lúc khỏe nhất
cũng vừa xanh vừa gày, chỉ một tay xách nhẹ. Bà cụ sinh nở tất cả mười
bốn lần. Năm bốn mươi nhăm còn đẻ. Đó là thằng em đốt dưới Giáng
Hương. Tuy gày yếu nhưng bà cụ không chịu ngồi yên, mặc dù con cháu và
kẻ ăn người ở trong nhà đều giằng giữ những công việc mà bà cụ cứ quơ
lấy. Không lọ mọ đi sấy bột cho cháu, sấy cau để dành, đem những quần áo
cũ của các con cháu ra phơi phóng sắp xếp, bà cụ lại lau dọn chỗ bàn học
của các cháu, nhặt nhạnh các giày dép cũ của chúng chờ người thợ quen lại
chữa, hay mua khế, mua mận mơ về làm ô mai dầm cho mấy đứa cháu gái
bán làm vốn riêng. Chỗ bà cụ nằm có đến mười chiếc khăn bông chỉ nhỉnh
hơn bàn tay, để chùi mũi, lau mặt cho các cháu. Những quần áo lọt lòng của
đứa con đầu lòng người anh cả Giáng Hương đến những yếm dãi, mũ thóp
của thằng em Giáng Hương và của Giáng Hương, bà cụ vẫn giữ đủ, cất
riêng một tủ. Còn một tủ khác thì bà cụ để các thứ thuốc. Từ gói hoa hồng
bạch phơi khô để hấp với đường phèn làm thuốc ho cho cháu bé, đến các
thứ thuốc viên phải lặn lội đi các nơi chuốc ở các cụ lang gia truyền về, bà
cụ đều bắt con cháu đề chữ, và mỗi khi lấy dùng thì tự tay bà cụ lấy rồi cất
xếp lại. Hàng ngày mẹ Giáng Hương chỉ ăn có bữa trưa. Món ăn thích nhất
của bà cụ là canh đậu hay rau muống luộc và tôm bống, cá bống kho khô.
Trang sức độc nhất của bà cụ là đôi nụ tai bằng hổ phách. Bà cụ bảo đeo
cho kỵ gió. Còn đôi khuyên vàng kéo từ ngày về nhà chồng, bà cụ cũng cất
đi với bộ thao nón bằng bạc và bộ quần áo mới cưới mớ ba.
Cả cha Giáng Hương cũng không biết quê mẹ Giáng Hương ở đâu. Từ
ngày cha Giáng Hương còn đi cắt quần áo cho chủ Tây đến khi nhà mở cửa
hiệu nguy nga vừa bán len dạ vừa may quần áo, rồi đến khi anh em Giáng
Hương đỗ đạt bằng nọ bằng kia, người làm giáo sư, người làm kỹ sư, người
mở hiệu bào chế thuốc tây, thì mẹ Giáng Hương vẫn không bao giờ nói đến
chuyện quê quán họ hàng của mình cả. Có một lần, không hiểu Giáng
Hương đã thủ thỉ với mẹ thế nào, mà bà cụ rầu rầu nét mặt bảo: "Quê mẹ ở
tỉnh Đông, nhưng mà thôi, họ hàng nghèo cả, các con về làm gì!".