bé, cháu nhớn cháu bé, và cứ tự bó buộc ép mình ép xác mình như thân tù
thân tội mãi thế!
Giáng Hương lại nghĩ đến sự khác nhau không thể tưởng được giữa
mẹ Thy San và mẹ mình. Giáng Hương lại nhớ lại cái câu nói rầu rầu của
mẹ mà có lẽ chỉ mình Giáng Hương được nghe và đã gần trọn một đời mẹ
Giáng Hương chỉ giữ ở trong lòng.
"Không được đâu! Mẹ ta không chịu xuống ở với ta đâu!" - Giáng
Hương tự nhủ và thấy tâm trí thắt lại. Như thế là thế nào? Thế nghĩa là
Giáng Hương cứ phải xa mẹ. Những cái gì dịu dàng trìu mến nhất của
Giáng Hương chỉ còn đem chăm chút cho chồng. Ừ thì cho chồng! Nhưng
làm sao Giáng Hương tìm được thật là một nguồn yêu thương an ủi như đối
với mẹ đẻ của Giáng Hương được? Nhất là Giáng Hương phải sống với
một người mà Giáng Hương cũng phải gọi là mẹ, bà cũng quý cũng chiều
Giáng Hương đấy, nhưng sao Giáng Hương vẫn thấy nhẹ thênh hời hợt làm
sao ấy! Trời ơi! Trời ơi! Giáng Hương kêu hẳn lên. Chuyến này nói dại đổ
xuống sông xuống biển, nếu mẹ ta có mệnh hệ nào thì thật ta ân hận đời đời
kiếp kiếp. Rồi cứ kéo dài ngày tháng bên cạnh cái "người mẹ" càng phả phê
béo tốt, tay năm tay mười làm giàu, và chỉ lo những chết và nước thiên
đàng ấy, sống như thế để mà càng tưởng nhớ đến mẹ mình thì ta chịu sao
nổi?
Giáng Hương lại thấy như mới hôm qua hôm kia thôi, chị em Giáng
Hương với cả chị em thằng Cương bọ ngựa nữa còn đi học với nhau.
Những ngày gần Tết và những ngày giở lạnh, mẹ Giáng Hương hay giấu
cho riêng Giáng Hương khi thì gói ô mai chua, khế phơi, khi thì gói mứt
gừng, tự tay bà làm. Được mẹ cho nhiều rồi, một tay Giáng Hương còn
giấu ra sau lưng, một tay níu níu lấy cánh tay mẹ, làm ra bộ ngạc nhiên:
- Chỉ có bốn quả ô mai, hai miếng mứt gừng thôi mẹ này! Mọi khi
những sáu quả và bốn miếng cơ mà?