Chấn lại nhớ lại những cảm giác, cảm tưởng hôm Chấn ở dưới tàu
trông thấy Đồ Sơn, rồi tàu cặp bến Sáu Kho, Chấn lên Sở mật thám xong
được tha, đi lu bù khắp Hải Phòng luôn mấy ngày. Tuy sáu bảy năm liền,
hết ở Sở mật thám lại đến đề lao, và qua từ Hỏa Lò - Hà Nội lên nhà tù Sơn
La rồi ra Côn Lôn, không ở "banh" thì lại bị phạt hầm, Chấn đã tưởng phải
bàng hoàng khi được về trông lại thành phố nhất là cái thành phố có cả một
hải cảng tàu to đỗ và nhiều nhà máy lớn là Hải Phòng nọ. Thì ngay khi ở
Sở mật thám thở phào một cái, run run bước chân xuống đường rộng, Chấn
không về nhà người họ vội mà cứ thế đi tràn chơi các phố, Chấn cũng
không bỡ ngỡ lắm. Đã thế Chấn lại còn thấy cả thành phố, nhà cửa, đường
sá như nhỏ hẹp hẳn đi. Đặc biệt là cái Sở mật thám. Phải! Cả cái Sở mật
thám như hang như vực, nặng nề thăm thẳm, trước đây Chấn đã phải dong
đi dong lại, trải qua tất cả những trận đòn cực hình nhất của một chế độ thù
với những chân tay thừa hành của nó như không còn phải là giống người, -
cái nhà từ tầng gác đến cầu thang, đến hành lang và xà lim mà Chấn không
thể bao giờ quên được ấy, cũng không còn chất ngất đè sập xuống người
Chấn như trước nữa.
Nhưng như thế không phải là Chấn không hồi hộp trước một cảnh cũ
nay giở về nhìn lại, tuy sự hồi hộp đó là do những cảm nghĩ đối với những
cảnh vật thay đổi không vui nào.
Vẫn những phố ấy, đường ấy, bến tàu, nhà máy ấy, không những
không mở mang xây dựng gì thêm, trái lại nhiều chỗ tồi tàn, suy sút hẳn đi.
Rõ rệt nhất là những khu Xi măng, Cốt phát, Hạ Lý và các bến tàu. Bến tàu
Tây điếc và cái đà để sửa chữa tàu mà lần đầu tiên Chấn được người chú họ
đưa đi xuống xem cả buồng máy dưới tàu, rồi đi theo ra mãi ngoài Cẩm
Phả, nay chỉ còn là cái bến vắng tanh với hai cái tàu chẳng thấy có người có
hàng gì cả. Còn cái đà thì vỏ hà, bùn đất bám chặt vào tưởng như một bức
tường, một đống đất bỏ hoang. Cả hai khu sửa chữa tàu bè của hãng
Sacờrích và Vĩnh Tường Long dấu vết cũng chỉ còn những đống sắt ngổn
ngang, gỉ vụn và hai cái đà mốc meo.